Thanh tra Y tế chịu trách nhiệm giám sát thu hồi C2, Rồng đỏ nhiễm chì

22/07/2016 - 18:24
Luật quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan khi SP bị lỗi, vi phạm phải thu hồi. Tuy nhiên, SP đó có được thu hồi hay vẫn bày bán trên thị trường như trường hợp của C2, Rồng đỏ nhiễm chì khiến NTD đặt câu hỏi: Ai sẽ giám sát thu hồi SP vi phạm?

Theo quyết định của Thanh tra Bộ Y tế, từ ngày 20/5, Công ty TNHH URC Hà Nội đã buộc phải dừng lưu thông và thu hồi 2 lô sản phẩm do có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, ghi nhận của PNVN những ngày đầu tháng 7, tại Phú Yên, hầu hết các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini vẫn bày bán các sản phẩm thuộc 2 lô hàng nhiễm chì.

Khi được hỏi, chủ các cửa hàng, đại lý có bán sản phẩm bị thu hồi tại Phú Yên cho biết, thời gian qua chẳng thấy ai đến thông báo và thu hồi sản phẩm lỗi. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Phú Yên cũng khẳng định, chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp về việc thu hồi 2 lô sản phẩm bị thu hồi.

Trao đổi với PNVN hôm 14/7, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) Phú Yên cho biết, các cơ quan chức năng tại đây vào cuộc kiểm tra trên cơ sở tiếp nhận thông tin từ báo đài, chứ cũng chưa chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế cũng như Cục ATTP liên quan đến việc xử lý 2 sản phẩm nhiễm chì trên.

NTD lo lắng bởi sau các quyết định xử phạt mạnh tay và yêu cầu thu hồi, sản phẩm nhiễm chì vẫn "hồn nhiên" được bày bán khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu hồi những sản phẩm độc hại này.
anh-3.JPG
ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định, khi sản phẩm bị thu hồi, doanh nghiệp phải báo cáo sản phẩm bị thu hồi thuộc lô hàng nào, ngày sản xuất, số lượng sản xuất, số lượng thu hồi được, số lượng đang còn lưu thông trên thị trường, kế hoạch thu hồi và biện pháp xử lý. Doanh nghiệp cũng phải cử người xuống các đại lý để hỗ trợ việc thu hồi. Trong trường hợp quá thời hạn, mà doanh nghiệp không thực hiện thu hồi thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Các sản phẩm thu hồi sẽ tùy mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp như tái chế hoặc tiêu hủy.

Cũng theo ông Phong, về phía cơ quan nhà nước, đơn vị ra quyết định thu hồi sẽ thực hiện giám sát việc thu hồi của doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị ra quyết định thu hồi phải xem sản phẩm bị thu hồi thuộc quản lý của Bộ nào, ngành nào để thông báo phối hợp cùng giám sát. Các Bộ, ngành được phân công thuộc lĩnh vực mình quản lý thì thực hiện giám sát việc thu hồi.
c2-2.jpg
Nước giải khát C2 của Công ty TNHH URC
Với trường hợp như C2 và Rồng đỏ thuộc diện thu hồi nhưng vẫn còn bày bán ở Phú Yên như PNVN thông tin, ông Phong cho biết đã giao Cục ATTP kiểm tra lại thông tin trên. Ông Phong cũng đề nghị người dân khi có thông tin về sản phẩm thuộc 2 lô hàng bị thu hồi nhưng phát hiện vẫn bày bán thì báo với các Chi cục Vệ sinh ATTP hoặc Cục ATTP. Nếu sản phẩm đó đã có quyết định thu hồi, nhưng vẫn còn bày bán trên thị trường thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, việc thu hồi sản phẩm bị lỗi là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm. Còn việc giám sát thu hồi là trách nhiệm của cơ quan chức năng nhà nước. Phía Hội chỉ tiếp nhận thông tin từ phía người tiêu dùng và thông tin với cơ quan chức năng để có biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thu hồi một cách triệt để để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Như vậy, với quyết định số 50/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH URC Hà Nội do Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên ký, việc giám sát thu hồi sẽ thuộc trách nhiệm của Thanh tra Bộ Y tế. Cũng theo quyết định này, Công ty TNHH URC Hà Nội phải thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm thực phẩm nhiễm chì để xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ trước ngày 10/6. Đã quá 1 tháng so với thời hạn báo cáo kết quả thu hồi, việc giám sát và thu hồi sản phẩm vi phạm ra sao, PNVN sẽ tiếp tục thông tin cho bạn đọc trong kỳ tới.

Điều 55. Thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn

1. Thực phẩm phải được thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Thực phẩm hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;

b) Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

c) Thực phẩm là sản phẩm công nghệ mới chưa được phép lưu hành;

d) Thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;

đ) Thực phẩm có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định;

e) Thực phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

                                                                            Nguồn: Luật An toàn thực phẩm Số: 55/2010/QH12

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm