pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thành uỷ Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn: Dân lo tiền đền bù không đủ tái định cư
Người dân Lê Văn Hộ phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phú Khánh
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Hộ ở thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn) cho biết, từ khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động kể từ 1999 đến nay, đã có 15 lần người dân nơi đây chặn xe vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn).
Trước đây, người dân chặn xe chỉ đơn thuần là do bãi rác ô nhiễm quá nhưng những lần gần đây, ngoài nguyên nhân ô nhiễm môi trường còn là do sự bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố.
Được biết, ông Lê Văn Hộ từng là Chủ tịch UBND xã Nam Sơn. Vì thế, ông khẳng định mình nắm được rõ nguyện vọng, tâm tư của người dân trong vùng.
"Chặn xe như vậy là vi phạm pháp luật. Đảng viên chúng tôi biết rõ điều đó và đã ra vận động người dân nhưng họ nói là chỉ chặn xe chở rác hôi thối thôi, còn xe khác vẫn đi bình thường. Họ nói thế thì chúng tôi biết làm sao được!", ông Hộ kể lại.
Nói về vấn đề ô nhiễm mỗi trường trong khu vực, ông Hộ tỏ ra lo lắng khi mà, từ năm 1999 đến 2005, xã Nam Sơn có 2 người tử vong do ung thư nhưng từ năm 2005 đến nay thì đã có đến hơn 100 người. "Nhà tôi có 5 anh em bị ung thư, hiện 3 người đã mất, còn 2 người đang điều trị. Bản thân tôi không bao giờ hút thuốc lá nhưng cũng điều trị ung thư phổi giai đoạn ba", ông Hộ cho hay.
Về chính sách tái định cư, nguyên Chủ tịch xã Nam Sơn Lê Văn Hộ cho biết, thành phố đã cho xây dựng 2 khu tái định cư ở xã Nam Sơn, Bắc Sơn nhưng không có dân đến ở nên khu này vẫn bỏ hoang. Bây giờ lại xây thêm 4 khu nữa ở cả 3 xã, trong đó với khu tái định cư ở xã Hồng Kỳ chỉ cách bãi rác 1,5 km, mà đúng hướng gió, đi qua cũng thấy thối lắm rồi nên dân không muốn đến đây ở.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Na Sơn (xã Bắc Sơn) cho hay, bản thân gia đình mình không hài lòng với việc chỉ được chi trả 10.500 đồng/m2 đất được cho là thổ cư. Ông Thắng lo ngại với số tiền được đền bù thấp như vậy thì gia đình ông sẽ không đủ để mua đất ở khu tái tái định cư mà ổn định cuộc sống.
Trước những ý kiến của người dân huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cam kết: "Ngay tuần sau, Sở Tài nguyên Môi trường cử 30 cán bộ cùng huyện lập phương án đền bù hỗ trợ nhanh nhất. Yêu cầu phải cơ bản giải quyết việc này xong trước Tết Âm lịch để đảm bảo đời sống của người dân"…
Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định, người dân mong muốn tái định cư ở đâu thì thành phố sẽ ưu tiên bằng được cho bà con và yêu cầu huyện Sóc Sơn cần rút kinh nghiệm, phải thống nhất với nhân dân về vị trí tái định cư và báo cáo lại thành phố phê duyệt theo đúng nguyện vọng của người dân.
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho rằng, việc huyện di dân ra khỏi bán kính 500m của vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn như vậy là quá chậm, trong đó có trách nhiệm của huyện Sóc Sơn. Vì vậy, TP quyết định thành lập tổ công tác trực tiếp xử lý những vướng mắc lên quan đến bãi rác Nam Sơn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định mọi kiến nghị của nhân dân địa phương sẽ được chính quyền và tổ công tác tiếp thu giải quyết theo đơn thư, trao đổi, đối thoại. Vì thế, ông Nguyễn Văn Phong cũng hi vọng người dân sẽ không tiếp tục chặn xe rác nữa.