pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN ngưng thi hành một số quy định Thông tư 06
Ngân hàng Nhà nước thông báo ngưng thi hành một số quy định Thông tư 06/2023/TT-NHNN
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm mới liên quan).
Động thái này của NHNN đến từ việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư 06/2023/TT-NHNN, ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn và hoàn thành theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/9, bổ sung thêm nhiều quy định mới về đối tượng cho vay. Mục đích hướng tới dòng tiền chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thiết thực, tạo giá trị gia tăng và hạn chế dòng tiền vào các lĩnh vực rủi ro.
Mặc dù đây là điều cần thiết, song, các quy định này sẽ làm gia tăng "rào cản" trong hoạt động tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại Thông tư 06 sẽ "tác động ngược" tới thị trường, đặc biệt là nhóm bất động sản, vốn đã "ảm đạm" suốt thời gian qua.
Mỗi dự án, khi đi vào bước triển khai xây dựng, doanh nghiệp bất động sản phải đáp ứng điều kiện pháp lý, giải phóng mặt bằng và tiền đất với số tiền vài trăm triệu đồng. Nếu theo quy định mới trong Thông tư 06 về nhu cầu vốn không được cho vay, các doanh nghiệp cần phải đủ cả điều kiện đưa vào kinh doanh thì mới được vay vốn, điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đánh giá về Thông tư 10 của NHNN, Giám đốc Công ty Đầu tư FIDT cho rằng, việc ban hành Thông tư 10 để hoãn thi hành khoản 8,9,10 của điều 8 trong Thông tư 06 là hợp lý và kịp thời nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Ngoài ra, việc góp phần tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế khi các nhu cầu vay vốn để góp vốn, mua cổ phần, hợp tác kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần kiểm soát rủi ro hiệu quả.
NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Những quy định ngưng hiệu lực thi hành, gồm:
"Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay
8. Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
9. Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
10. Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay;
b) Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó".