pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thấu hiểu và chấp nhận nhau để cùng vun đắp hạnh phúc

Ảnh minh họa
Bắt đầu bằng sự thật rằng chúng ta khác nhau
Nhiều người kỳ vọng tình yêu sẽ làm nên sự đồng điệu tuyệt đối và hôn nhân là một "bản hòa ca" không nốt lạc. Nhưng chính trong cuộc sống thực tế hằng ngày, sự khác biệt về tính cách, thói quen, cách suy nghĩ, cách yêu thương… mới bắt đầu bộc lộ rõ rệt.
Người chồng yêu sự yên tĩnh, người vợ lại thích nói chuyện mỗi tối; người này sống nguyên tắc, người kia xuề xòa… Tất cả tạo nên những xung đột nhỏ mà nếu không hiểu sẽ dần trở thành khoảng cách lớn.
Khi ta hiểu rằng không ai giống ai, rằng sự khác biệt là tự nhiên, ta sẽ không còn muốn "sửa" người kia theo ý mình. Thay vào đó, ta học cách quan sát, tìm hiểu và nhận ra đâu là điều cốt lõi cần gìn giữ, đâu là điều có thể dung hòa.
Đừng chỉ là cảm xúc, mà hãy hành động
Thương người bạn đời không chỉ là yêu khi họ ngọt ngào, khi họ làm đúng, mà còn chấp nhận và đồng hành cả khi họ cáu gắt hay mắc sai lầm. Thương là khi ta chọn nhìn người kia bằng đôi mắt bao dung, để thấy rằng sau những bất toàn ấy là một con người đang cố gắng, cũng có nỗi niềm riêng như ta.
Một người chồng trầm tính, ít khi nói lời ngọt ngào nhưng mỗi ngày vẫn đều đặn sửa vòi nước hỏng, mua gói bánh vợ thích. Một người vợ hay than phiền nhưng vẫn thức dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Thương là nhìn ra tình yêu nằm trong những điều tưởng như vụn vặt, vụng về ấy.
Thông cảm thay vì phán xét
Trong đời sống hôn nhân, dễ nhất là trách móc: "Anh không bao giờ để ý đến cảm xúc của em!", "Em chẳng khi nào hiểu được áp lực của anh!". Nhưng điều khó hơn và quan trọng hơn là đặt mình vào vị trí người kia để thấy vì sao họ hành xử như vậy.
Người chồng về nhà muộn không hẳn vì vô tâm mà có thể vì đang gồng mình trước áp lực công việc. Người vợ hay cằn nhằn không phải vì khó tính mà có thể vì đã quá mệt mỏi khi phải quán xuyến mọi thứ một mình. Khi có thông cảm, ta sẽ bớt mong người kia phải thay đổi ngay lập tức, thay vào đó là lắng nghe nhiều hơn, hỏi han nhiều hơn, nhẹ nhàng hơn.
Chia sẻ
Sống cùng nhau mà không chia sẻ thì giống như hai người đứng cạnh nhau nhưng mỗi người một thế giới riêng. Việc chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, cả những điều khó nói như nỗi sợ, thất vọng, hoài nghi… giúp cho hai vợ chồng hiểu nhau hơn và đồng hành tốt hơn.
Hãy dành thời gian trò chuyện để bàn việc nhà và để nói về chính mình: "Hôm nay em thấy mệt vì những điều này…", "Anh cảm thấy thất bại vì chuyện đó…". Sự chia sẻ giúp giảm bớt áp lực và nuôi dưỡng cảm giác được kết nối - yếu tố quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ lâu dài.
Chấp nhận khi hiểu rằng không ai là "phiên bản lý tưởng"
Chúng ta thường yêu bằng lý tưởng nhưng sống hạnh phúc được với nhau là nhờ chấp nhận sự thật. Người bạn đời của bạn có thể không lãng mạn, không chu đáo đúng cách bạn muốn, không tài giỏi như người khác nhưng họ lại có những giá trị riêng mà nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy đáng trân trọng.
Chấp nhận không phải là từ bỏ nỗ lực thay đổi điều chưa tốt mà là không kỳ vọng một người phải trở thành hình mẫu "trong mơ" của mình. Khi chấp nhận, bạn sẽ sống thanh thản hơn, ít thất vọng hơn, tập trung vào điều tích cực nhiều hơn.
Hoàn thiện cùng nhau
Hôn nhân là một hành trình không ai hoàn thiện ngay từ đầu. Điều quan trọng là cả hai cùng sẵn sàng thay đổi vì nhau, vì gia đình. Bạn không cần một người hoàn hảo, mà cần một người sẵn sàng cùng bạn hoàn thiện bản thân từng ngày.
Sự hoàn thiện trong hôn nhân không đến từ một phía. Đó là khi người vợ học cách bớt kiểm soát, người chồng học cách lắng nghe; là khi cả hai học cách thẳng thắn mà không làm tổn thương nhau, học cách tha thứ mà không giữ trong lòng.
Gia đình không phải là nơi tìm kiếm sự hoàn hảo, nó là nơi ta học cách yêu thương điều chưa hoàn hảo ở nhau, nơi mỗi người được là chính mình, được phát triển và được sống trong sự an yên.