Chị Trang luôn nghĩ, mối quan hệ thân thiết giữa hai mẹ con từ trước đến nay sẽ khiến chị trở thành bạn của con ở lứa tuổi khủng hoảng. Trước đây, có chuyện gì, con trai cũng về kể với mẹ, từ chuyện học hành, bạn bè ở lớp, thậm chí con đang thích bạn gái nào… Chị Trang yên tâm, con bước vào tuổi teen vẫn coi mẹ là người bạn thân thiết nhất và sẽ không bao giờ giấu mẹ điều gì.
Thế mà, mấy tháng gần đây, khi bước vào tuổi 14, con không giữ thói quen chia sẻ với mẹ mọi chuyện như trước. Nhiều khi, thấy con rầu rĩ, chị Trang lân la hỏi chuyện con thì nhận được câu trả lời “phũ phàng: "Mẹ không cần biết". "Có nói với mẹ thì cũng vô ích"...
Chị cảm thấy thực sự hụt hẫng bởi sắp tới chị sẽ không thể biết con nghĩ gì, gặp khó khăn nào ở lứa tuổi vốn nhiều biến động.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn), khi con nói như vậy không có nghĩa là con coi thường mẹ. Thế nên, mẹ không nên truy hỏi con đến cùng và không nên trách mắng con. Bởi như vậy, quan hệ giữa mẹ và con sẽ càng trở nên xa cách.
Những lúc như vậy, người mẹ chỉ cần nói với con rằng: “Ừ, cũng có những lúc con cần suy nghĩ một mình. Khi nào con thấy khó khăn hoặc cần tới sự trợ giúp của mẹ thì cứ nói nhé” và bỏ qua chuyện đó. Tất nhiên, cũng có những điều mà người mẹ nên để ý như có phải giữa mẹ và con còn thiếu những cuộc đối thoại thông thường hay con có đang hiểu lầm mẹ gì không. Nhiều trường hợp con nghĩ rằng, mẹ hoàn toàn không thể hiểu mình hoặc mẹ không muốn hiểu mình.
Theo nguyên tắc khi trò chuyện với con, cha mẹ nên bắt đầu với những câu chuyện phiếm. Cứ nói chuyện phiếm 20 lần thì trong đó có khoảng 4 lần cha mẹ yêu cầu con thực hiện hành động nào đó và 1 lần nói chuyện nghiêm túc.
Cha mẹ hãy nói chuyện phiếm với con nhiều hơn, đừng cố gắng đưa câu chuyện theo hướng nghiêm túc mà chỉ cần trò chuyện chung chung. Thay vì cố gắng tìm hiểu chuyện của con thì bố mẹ hãy phá vỡ rào cản bằng cách chủ động kể cho con nghe chuyện của mình trước. Sau đó hãy dành thời gian lắng nghe con. Bắng cách đó, dần dần con có thể mở lòng chia sẻ với cha mẹ chuyện của mình.