'Thay vì tăng giờ làm, cần quan tâm người lao động theo một chính sách khác'

12/06/2019 - 16:25
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng mở rộng khung làm thêm giờ là đi ngược xu thế “tăng lương, giảm giờ làm” của người lao động (NLĐ). Trong khi đó, không ít ý kiến lại cho rằng, tăng thêm giờ làm xuất phát từ chính mưu cầu của NLĐ do thu nhập từ lương không đủ trang trải cuộc sống. Việc tăng thêm giờ làm cần có thêm những quy định chặt chẽ, để đảm bảo quyền lợi tối đa cho NLĐ.

Nói “nhu cầu” là không đúng bản chất

Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Vấn đề làm thêm giờ vẫn chiếm sự quan tâm của đông đảo đại biểu và có nhiều tranh luận trái chiều xung quanh việc có nên mở rộng khung làm thêm giờ so với luật hiện hành hay không.

Là người đầu tiên phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) cho rằng đây là vấn đề có tính hai mặt và không hề dễ dàng khi xem xét ở góc độ hài hòa lợi ích cho cả NLĐ và người sử dụng lao động.

 

quyet-tam.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm 

Nếu chỉ nhìn ở góc độ thuận lợi cho NLĐ, theo bà Quyết Tâm là “có vẻ” quan tâm đến lợi ích của NLĐ. Nhưng thực chất, làm thêm giờ đang đi ngược với tiến bộ xã hội.

“Nếu nói công nhân có nhu cầu làm thêm thì hiểu không đúng bản chất. Đúng hơn là họ cần làm thêm giờ, vì muốn có thêm thu nhập, khi mà đồng lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu, họ cần có thu nhập thêm để trang trải. Còn nếu nói là nhu cầu thì tôi nghĩ là không! Ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình chứ không phải là có nhu cầu làm thêm”, bà Quyết Tâm nêu quan điểm.

Từ góc nhìn này, nữ đại biểu đề nghị Quốc hội cần đưa chính sách để công nhân làm ít giờ hơn nhưng tiền lương và thu nhập tăng lên. “Cần bàn thảo giải pháp để NLĐ có đủ sức tái tạo lao động, vừa có lợi cho công nhân, vừa có lợi cho người sử dụng lao động, bởi doanh nghiệp cần có những công nhân đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái, thì năng suất lao động, hiệu suất mới tăng chứ không phải vắt kiệt sức của họ mới tốt. Cần quan tâm NLĐ theo một chính sách khác thì ưu việt và thỏa đáng hơn thay vì tăng giờ làm”, bà Tâm cho biết.

Đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình khi cho rằng, NLĐ không mong muốn làm thêm mà cần đề xuất tăng thu nhập so với mức quá thấp hiện tại. Theo bà, thực tế NLĐ phải làm tăng ca vượt quy định. Việc xem xét tăng làm thêm giờ phải đặt trong tương quan của việc làm, thất nghiệp, sức khỏe, an toàn lao động. “Xu hướng tăng lương giảm giờ làm là xu thế chung nên theo tôi không nên đi ngược xu thế”, bà Thường nói.

Giơ biển tranh luận với đại biểu Quyết Tâm, ĐB Nguyễn Văn Tuân (đoàn Thái Bình) cho biết, theo dự luật, NLĐ hoàn toàn tự nguyện tham gia, không bắt buộc làm thêm giờ. “Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, không phải vì tiền nhưng tiền rất quan trọng để khiến mọi người hạnh phúc. Vì vậy cần đưa ra quyết định rõ ràng một số ngành nghề không được phép tăng thêm giờ, ví dụ như nghề lái xe… để đảm bảo tỉnh táo không gây tai nạn giao thông".

 

cong-nhan-2.jpg
Ảnh minh họa

 

Tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm chính thức

Phần đông đại biểu nhất trí với việc tăng giờ làm thêm, tuy nhiên cần có thêm quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo luật cần giữ nguyên quy định mức trần tổng số giờ làm tối đa trong một tháng, tránh việc làm dồn dập trong nhiều tháng liên tục, vắt kiệt sức NLĐ.

Còn theo đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn Long An), dù làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu về tiền mặt, phù hợp với đầu tư, nhu cầu chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, việc chăm sóc gia đình, do đó cần quy định chặt chẽ, tránh áp dụng tùy tiện. Ông đề xuất cụ thể về quy định trả lương làm thêm giờ lũy tiến, cao nhất lên đến 400% lương, vào các ngày lễ tết.

 

truong-phi-hung.jpg
ĐBQH Trương Phi Hùng 

 

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) kiến nghị, nếu tăng giờ làm thêm thì nhất định phải giảm giờ làm chính thức, từ 48h/tuần xuống còn 44h để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Về việc tăng thêm tiền làm thêm do hai bên thỏa thuận như dự luật, bà Hạnh cho rằng không khả thi, thay vào đó nên để mức tăng lũy tiến tiền lương với thời gian làm việc tăng thêm của NLĐ, đảm bảo doanh nghiệp  tổ chức làm thêm giờ phù hợp, có phương án tuyển dụng, không làm thêm quá nhiều ảnh hưởng sức khỏe NLĐ.

Việc giảm giờ làm chính thức từ 48h xuống còn 44h trong tuần cũng nhận được sự đồng thuận của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) khi cho rằng, phương án này đảm bảo tái tạo sức lao động cho NLĐ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm