pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thế giới đang thất bại trong việc chăm sóc phòng ngừa bệnh tật ở phụ nữ
Năm 2020, với sự hợp tác của Gallup, công ty công nghệ y tế Hologic đã thực hiện cuộc khảo sát toàn cầu để đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sức khỏe ở phụ nữ. Các quốc gia được chấm điểm dựa trên câu trả lời của phụ nữ với các câu hỏi ở năm tiêu chí: sức khỏe tổng quát, chăm sóc phòng ngừa, sức khỏe tâm thần, an toàn và các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chỗ ở.
Sức khỏe phụ nữ tệ hơn trong năm 2021
Điểm tổng thể cho Chỉ số Sức khỏe Phụ nữ Toàn cầu năm 2021 là 53/100, thấp hơn một điểm so với năm 2020. Không có quốc gia nào đạt trên 70 điểm trong năm 2021, các vị trí đứng đầu danh sách lần lượt thuộc về Đài Loan, Latvia, Áo và Đan Mạch. Ba quốc gia nhận được ít hơn 40 điểm là Afghanistan, Congo và Venezuela. Mỹ giữ vị trí thứ 23, với 61/100 điểm.
Các quốc gia giàu có thường đạt điểm cao hơn các quốc gia có thu nhập thấp trong Chỉ số Sức khỏe Phụ nữ Toàn cầu. Trên thực tế, khoảng cách về điểm số giữa các nước có thu nhập cao và thấp đã tăng gần gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2021, với mức chênh lệch trung bình là hơn 20 điểm.
"Gánh nặng kinh tế và tâm lý từ đại dịch sẽ đè nặng lên nhiều hộ gia đình trong một thời gian, và chúng tôi biết rằng nó đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ"- Gertraud Stadler, Giám đốc Viện Y học Giới tại bệnh viện Charite ở Berlin, nói.
Trên thực tế, phụ nữ căng thẳng, lo lắng, buồn bã và tức giận vào năm 2021 hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ trước, theo một cuộc khảo sát của công ty tư vấn và phân tích Gallup. Ngoài ra, phụ nữ cũng có nhiều khả năng cho biết không đủ tiền để mua thực phẩm hơn trong năm 2021. Tỷ lệ này đã tăng từ 34% phụ nữ vào năm 2020 lên 37% vào năm 2021.
Khoảng 1,5 tỷ phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc dự phòng
Theo Hologic và Gallup, năm tiêu chí quan trọng được đánh giá trong Chỉ số Sức khỏe Phụ nữ Toàn cầu có thể giải thích hầu hết sự thay đổi tuổi thọ của phụ nữ. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ đã gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong năm qua có tuổi thọ trung bình cao hơn hai năm so với những người không gặp.
Chăm sóc dự phòng là một lĩnh vực mà Mỹ đạt điểm cao hơn vào năm 2021 so với năm 2020. Mỹ có điểm số cao thứ hai ở tiêu chí này trong Chỉ số Sức khỏe Phụ nữ Toàn cầu, chỉ sau Latvia.
Tiến sĩ Susan Harvey, phó chủ tịch phụ trách y tế toàn cầu tại Hologic và cựu giám đốc hình ảnh tại Trường Y Johns Hopkin, cho biết: "Đó là một tiến triển nhỏ, nhưng chúng ta phải vui mừng về điều đó. Tuy nhiên, nhìn chung, thế giới đang thất bại trong việc chăm sóc phòng ngừa bệnh tật ở phụ nữ".
Năm ngoái, khoảng 1,5 tỷ phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc dự phòng. Và trên toàn cầu, ít hơn 1/8 phụ nữ được tầm soát ung thư tại bất kỳ thời điểm nào trong năm qua, theo khảo sát.
Các chuyên gia cho rằng điều này thực sự phản ánh nhiều tầng thách thức mà phụ nữ phải đối mặt. Theo Katie Schubert, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ, phụ nữ luôn là người chăm sóc bản thân sau cùng, và đang phải chịu nhiều gánh nặng khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ, phụ nữ có xu hướng đi khám sức khỏe cho con nhiều hơn là đi khám cho chính họ.
Nâng tầm phụ nữ, nâng tầm xã hội
Các chuyên gia đồng ý rằng cải thiện sức khỏe phụ nữ sẽ nâng cao toàn xã hội. "Phụ nữ thường có vai trò chăm sóc sức khỏe trong gia đình và cộng đồng. Và họ đang đảm nhận một phần lớn công việc chăm sóc, vì vậy trẻ em, bạn đời, cha mẹ cũng được hưởng lợi từ việc phụ nữ khỏe mạnh", Stadler nói.
Schubert nói: "Nếu không có nền tảng về sức khỏe và hạnh phúc của phụ nữ, chúng ta sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào liên quan đến ổn định kinh tế hoặc công bằng trong phát triển kinh tế xã hội. Tất cả điều đó thực sự dựa vào một môi trường, một con người và một kết quả lành mạnh".
Nhưng bình đẳng giới về sức khỏe và các khía cạnh khác của cuộc sống vẫn còn xa vời với thực tế, chẳng hạn các thử nghiệm vaccine Covid-19 không bao gồm phụ nữ mang thai.
Phần lớn những gì được đánh giá trong Chỉ số Sức khỏe Phụ nữ Toàn cầu phù hợp với các mục tiêu được Liên Hợp Quốc xác định trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của mình. Và một báo cáo do UN Women và Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc công bố trong tháng Chín này cho thấy rằng với tốc độ tiến bộ hiện nay, bình đẳng giới sẽ không đạt được vào năm 2030, như dự kiến ban đầu của các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Thay vào đó, nó sẽ mất hàng thế kỷ.
"Điều quan trọng là chúng ta phải tập trung đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái để cải thiện và đẩy nhanh tiến độ. Dữ liệu cho thấy sự thụt lùi không thể phủ nhận trong cuộc sống của phụ nữ trở nên tồi tệ hơn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu - về thu nhập, an toàn, giáo dục và sức khỏe. Chúng ta càng mất nhiều thời gian để đảo ngược xu hướng này, tất cả chúng ta sẽ phải trả giá nhiều hơn.
Hy vọng của tôi là chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ đại dịch. Đại dịch đã giúp tầm quan trọng của các hoạt động phòng ngừa được nhiều người chú ý hơn. Mọi người đã học được rất nhiều về tầm quan trọng của hành động chung để bảo vệ lẫn nhau".
Sima Bahous, giám đốc điều hành của UN Women, nói về báo cáo.