"Thế hệ mất mát" sau đại dịch ở Uganda

Kim Ngọc
17/04/2022 - 10:03
"Thế hệ mất mát" sau đại dịch ở Uganda

Một giáo viên ở Kampala, Uganda chào đón học sinh trong ngày các trường học mở cửa trở lại. Ảnh: Katumba Badru Sultan/ AFP/Getty Images

Theo Tổ chức Sáng kiến Quyền Kinh tế và Xã hội (ISER), học phí tăng là một yếu tố cản trở các gia đình có thu nhập thấp cho con đi học lại ở Uganda.

Giống như nhiều trẻ em ở Uganda, Bridget Nabawanuka rất vui mừng vì được gặp lại bạn bè sau khi trường học mở cửa lại sau gần 2 năm do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, học phí tăng cao khiến cô bé không bao giờ quay lại trường lớp được.

Bridget, 7 tuổi, hiện đang làm việc tại quán ăn của mẹ ở thủ đô Kampala, nằm trong số nhiều trẻ em phải bỏ học vì cha mẹ thiếu tiền chi trả cho các chi phí tăng cao ở cả trường công và trường tư. Bà Agnes Nangabi, mẹ của Bridget, nói: "Mỗi sáng sớm con bé đều hỏi tôi khi nào sẽ được đi học lại". Người phụ nữ hy vọng sẽ tiết kiệm đủ tiền để cho con gái chuyển đến một trường học khác của bang có học phí thấp hơn.

Học phí tăng cao sau đại dịch

Giáo dục tiểu học và trung học được xem là miễn phí ở Uganda, một quốc gia thuộc Đông Phi, nhưng hầu hết các trường học cho biết không nhận đủ tài trợ của nhà nước để trang trải chi phí hoạt động, do đó buộc phải thu phí mọi thứ, từ lệ phí thi đến giấy vệ sinh.

Nhiều hiệu trưởng đã phớt lờ lời kêu gọi không tăng học phí trên mức trước đại dịch của Bộ Giáo dục. Hai luật sư nhân quyền, người đã đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề các trường học tăng học phí, cho biết: "Rất nhiều trẻ em đã và đang bỏ học, cả do thu nhập gia đình giảm và do tác động của việc tăng học phí", luật sư Andrew Karamagi, nói và mô tả tình huống này là "tư nhân hóa không được kiểm soát".

Trước vấn đề trên, Bộ Giáo dục cho biết họ đang hoàn thiện các quy định về việc thu học phí, bao gồm cả các hình phạt đối với các trường học làm trái quy định. Người phát ngôn Mugimba Dennis cho biết Bộ không phản đối việc các trường thu học phí nhưng họ phải làm đơn chính thức, chứ không phải thích tăng là tăng.

Các trường công lập thường có chi phí khoảng 200.000 shilling (khoảng 1,3 triệu đồng) mỗi kỳ, trong khi học phí trường tư có thể dao động từ 500.000 đến 1 triệu shilling (khoảng 3,2 đến 6,4 triệu đồng).

Mẹ của Bridget còn có hai đứa con khác và là trụ cột gia đình duy nhất của gia đình. Cô kiếm được 15.000 đến 30.000 shilling (khoảng 100.000 đến 190.000 đồng) mỗi ngày và không đủ khả năng chi trả khoản phí 170.000 shilling (hơn 1 triệu đồng) cho việc học của Bridget ở trường - tăng 20% so với trước đại dịch.

Luật sư Karamagi cho biết việc tăng học phí sẽ có tác động bất bình đẳng đối với các gia đình nghèo nhất. Ông nói: "Giáo dục, lẽ ra phải là một công cụ bình đẳng, đã trở thành một yếu tố ngăn cách hoặc phân tầng xã hội".

Trẻ em Uganda bỏ học do học phí tăng cao sau đại dịch - Ảnh 1.

Các giáo viên chào đón một học sinh trở lại trường tiểu học Mbale. Ảnh: Reuters

"Thế hệ mất mát" do trường học đóng cửa

Hành động pháp lý được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại hơn về tác động lâu dài của việc đóng cửa trường học kéo dài trong đại dịch. UNICEF cũng cảnh báo về một "thế hệ mất mát", trừ khi chính phủ thực hiện các bước khẩn cấp để đưa học sinh trở lại trường.

Các nhà kinh tế cũng đưa ra lo ngại rằng cuộc khủng hoảng giáo dục có thể khiến các quốc gia như Uganda không có lực lượng lao động đủ kỹ năng cần thiết để phát triển trong tương lai.

Theo UNICEF, cứ 10 trẻ em ở Uganda thì có một em không trở lại trường học vào tháng Giêng năm nay, trong khi Cơ quan Kế hoạch Quốc gia (NPA), một cơ quan chính phủ, ước tính vào năm ngoái rằng có tới 30% trẻ em có thể bỏ học do COVID-19. .

Gia tăng nghèo đói, lao động trẻ em, kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên, đã tăng vọt trong thời gian trường học đóng cửa. Theo ISER, học phí tăng là một yếu tố cản trở những gia đình có thu nhập thấp cho con đi học lại.

Tại Kyambogo College School, một trường do chính phủ hỗ trợ ở miền trung Uganda, hiệu trưởng Hellen Twongyeirwe cho biết, việc tăng học phí tại nhiều trường có liên quan đến các chính sách biện pháp đối phó tăng chi phí sinh hoạt. Các trường tư, có số lượng nhiều hơn trường công và được nhiều phụ huynh ưa thích, cũng đã tăng học phí, và những người đứng đầu giải thích rằng lạm phát đã đẩy chi phí lên cao.

Tương lai nào cho những đứa trẻ nghèo

Ở Kampala, Bridget hiện dành cả ngày để giúp mẹ bán đồ ăn. "Khi những đứa trẻ trong khu phố đi học về, con bé lại tò mò về những điều mới mà bạn bè học được", mẹ của Bridget nói.

Bridget cho biết cô bé yêu thích khoa học và muốn trở thành bác sĩ, đồng thời nói thêm rằng bản thân đang làm việc chăm chỉ để giúp mẹ tiết kiệm tiền và mong muốn sớm có thể quay trở lại trường học.

Trong khi đó, các học sinh khác đã từ bỏ hy vọng quay trở lại trường. Adella Asiimwe, 15 tuổi, đã bỏ học vào tháng Hai sau khi trường học của cô bé ở Isingiro, miền tây Uganda tăng học phí thêm 20% thành 350.000 shilling (khoảng 2,3 triệu đồng). Cha mẹ Adella quyết định ưu tiên việc học cho các em ở bậc tiểu học.

Adella, người từng hy vọng trở thành nhà báo nhưng đang phải bán bộ giải mã tivi trên đường phố Kampala nói: "Cháu nhìn bạn bè của mình trở lại lớp học và cảm thấy ghen tị. Cháu ước gì cha mẹ cháu có thể có đủ tiền cho cháu đi học, nhưng cháu biết họ không còn gì cả".

Nguồn: Reuters
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm