Trẻ em trai tụt lùi trong giáo dục

Kim Ngọc
15/04/2022 - 17:24
Trẻ em trai tụt lùi trong giáo dục

Một cậu bé trong lớp học ở Herat, Afghanistan. Ảnh: UNOCHA/Sayed Habib Bidel

Theo báo cáo của UNESCO, trẻ em trai 10 tuổi ở 57 quốc gia có thành tích đọc kém hơn trẻ em gái, xu hướng này vẫn tiếp diễn ở cấp trung học.

Mặc dù trẻ em gái gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục và chiếm hầu hết các em bỏ học ở cấp tiểu học, nhưng những thách thức mà trẻ em trai phải đối mặt ngày càng gia tăng ở các giai đoạn giáo dục cao hơn, theo một báo cáo do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố tuần trước.

Báo cáo "Leave no child behind: Global report on boys' disengagement from education" (tạm dịch: Không để bất kì trẻ em nào bị bỏ lại: Báo cáo toàn cầu về vấn đề đứt gãy giáo dục ở trẻ em trai) đã làm sáng tỏ các yếu tố khiến trẻ em trai không thể tiếp tục học tập. Báo cáo nêu bật một hiện tượng toàn cầu: Kỷ luật hà khắc, trừng phạt thân thể, và các hình thức bạo lực khác ở trường học; các chuẩn mực và kỳ vọng về giới tính cùng với các yếu tố khác đang ngăn cản trẻ em trai tiếp cận giáo dục đồng thời gia tăng tình trạng nghỉ học và bỏ học.

"Để làm cho giáo dục trở thành một quyền phổ biến, chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả thanh thiếu niên đều có cơ hội giáo dục để định hướng thành công cuộc sống và tương lai", Tổng giám đốcUNESCO, bà Audrey Azoulay cho biết trong lời mở đầu báo cáo. "Như báo cáo này nhấn mạnh, chúng ta cần thực hiện các bước quyết định để giữ trẻ em trai ở lại trường học và hỗ trợ các em trong suốt quá trình giáo dục".

Cần đảm bảo giáo dục cho trẻ em trai  - Ảnh 1.

Một cậu bé học tại nhà ở Dori, Burkina Faso. Ảnh: UNICEF/Tanya Bindra

Bức tranh toàn cầu về giáo dục ở trẻ em trai

Dữ liệu của UNESCO cho thấy trên toàn cầu cứ 100 phụ nữ thì chỉ có 88 nam giới theo học đại học. 73 quốc gia có số trẻ em trai đăng ký học trung học phổ thông ít hơn trẻ em gái, trong khi ở 48 quốc gia khác thì ngược lại.

Ngoài ra, ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Phi cận Sahara, thanh thiếu niên ít học đại học, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Mỹ Latinh và Caribe, nơi cứ 100 nữ sinh thì có 81 nam sinh theo học chương trình đại học chính quy. Ở Đông Á và Thái Bình Dương, con số này là 87, trong khi ở các quốc gia Ả Rập và khu vực Trung và Đông Âu, con số này là 91 trên 100.

Trong số 160 triệu trẻ em tham gia lao động vào năm 2020, báo cáo cho thấy 97 triệu em là trẻ em trai và cho rằng việc thiếu "khung pháp lý bảo vệ" là một trong những lý do chính của điều này. Trong dữ liệu của 146 quốc gia, chỉ 55 quốc gia có độ tuổi lao động tối thiểu phù hợp với độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc theo quy định của quốc gia đó và ở tuổi là trên 15 tuổi, trong khi 31% có độ tuổi lao động tối thiểu dưới 15 tuổi hoặc không xác định rõ độ tuổi tối thiểu. Bà Azoulay cho biết: "Nghèo đói và lao động trẻ em có thể khiến các em trai bỏ học".

Dấu hiệu trẻ em trai tụt lùi trong giáo dục

Ở một số quốc gia, dấu hiệu việc trẻ em trai bị tụt lùi trong giáo dục xuất hiện ở cuối cấp tiểu học, theo báo cáo. Tại 57 quốc gia đã cung cấp dữ liệu, trẻ em trai 10 tuổi có thành tích đọc kém hơn trẻ em gái, xu hướng này vẫn tiếp diễn ở cấp trung học.

Điều này diễn ra ở Đông Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribê, và các Quốc gia Ả Rập, cho thấy một số nguy cơ trẻ em trai bỏ học cao nhất. "Thực hiện lời hứa bình đẳng này không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em trai và nam giới; đó là một bước tiến cho tất cả nhân loại", bà Azoulay nói và lưu ý thêm rằng "giáo dục hòa nhập và bình đẳng là quyền lợi của tất cả mọi người".

Báo cáo của UNESCO cũng tiết lộ rằng chỉ có một số chương trình và sáng kiến giải quyết vấn đề giáo dục ở trẻ em trai. Để ngăn các em bỏ học và đảo ngược vòng xoáy đang ngày càng sâu này, báo cáo cũng cung cấp một loạt các khuyến nghị cụ thể bao gồm việc đưa giáo dục trở nên an toàn và hòa nhập; đầu tư vào dữ liệu và bằng chứng tốt hơn; xây dựng và tài trợ cho hệ thống giáo dục công bằng; thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tích hợp và phối hợp để cải thiện giáo dục cho tất cả người học. "Khi mọi người đều có quyền và cơ hội bình đẳng, tất cả chúng ta cũng đạt được điều đó", người đứng đầu UNESCO nói.

Nguồn: UN News
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm