Thế hệ nhà khoa học nữ đi trên con đường ít người đi

Kim Ngọc
03/01/2025 - 10:04
Thế hệ nhà khoa học nữ đi trên con đường ít người đi

Ảnh minh họa

Đối với những phụ nữ tạo nên đột phá trong khoa học, hành trình đến thành công thường không phải là đường thẳng. Nỗ lực của họ không chỉ thay đổi cuộc sống cá nhân mà còn mang lại lợi ích to lớn cho toàn xã hội thông qua các nghiên cứu tiên phong.

Trong quá khứ, định kiến giới và kỳ vọng của xã hội khiến các nghề nghiệp trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trở nên phi truyền thống với phụ nữ. Dẫu vậy, ngày càng nhiều người phụ nữ vượt qua rào cản này, theo đuổi đam mê khám phá và chứng minh năng lực của mình trong lĩnh vực này.

TS Emily Roycroft, người đã tìm cách tái tạo môi trường sống tự nhiên tại Tasmania để bảo vệ các loài nguy cấp, cho biết: "Làm việc trong lĩnh vực khoa học là cơ hội để tạo dựng sự nghiệp từ sự tò mò về thế giới xung quanh. Bạn đặt ra những câu hỏi có thể chưa ai từng nghĩ đến. Đây là công việc giúp bạn làm những điều đáng kinh ngạc và trải nghiệm nhiều điều đa dạng, đồng thời đóng góp tích cực cho thế giới".

Đồng tình với quan điểm này, TS Leah Smith từ Đại học Otago nhấn mạnh rằng khoa học không chỉ dành cho những đứa trẻ "thông minh" mà thực chất là lĩnh vực dành cho bất kỳ ai khao khát khám phá điều mới lạ về thế giới. 

Smith nói: "Đôi khi, phụ nữ và các bé gái bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lầm, rằng não của chúng ta không đủ khả năng phân tích để thành công trong một số con đường sự nghiệp. Nhưng tính tò mò chính là chìa khóa. Kỹ năng và tự tin sẽ phát triển theo thời gian, vì thế đừng để nhận thức của người khác hoặc nghi ngờ bản thân kìm hãm mình".

Smith và Roycroft là hai trong số năm nghiên cứu sinh được chọn trong Chương trình L'Oréal-Unesco Women in Science năm 2025. Cùng với TS Brittany Mitchell, TS Kaye Minkyung Kang và TS Mengyu Li, họ đã chứng minh rằng những rào cản không chỉ là thử thách mà còn có thể trở thành động lực.

Quyết tâm thành công

Muốn trở thành nhà khoa học và thực sự trở thành nhà khoa học là hai điều khác nhau. Việc định hướng con đường từ ước mơ đến hiện thực không hề dễ dàng. Là người đầu tiên trong gia đình học đại học, Smith từng phải tạm gác việc học suốt năm và làm hai công việc cùng lúc để đủ chi phí học đại học tại Mỹ. 

Thế hệ nhà khoa học nữ đi trên con đường ít người đi- Ảnh 1.
Thế hệ nhà khoa học nữ đi trên con đường ít người đi- Ảnh 2.
Thế hệ nhà khoa học nữ đi trên con đường ít người đi- Ảnh 3.

Từ trên xuống: TS Leah Smith, Đại học Otago, TS Kaye Minkyung Kang và TS Emily Roycroft

Dẫu vậy, tình yêu mãnh liệt dành cho khoa học luôn thôi thúc cô tiến về phía trước. Niềm cảm hứng đó đến từ loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng The X-Files (Hồ sơ tuyệt mật) những năm 90, đặc biệt là nhân vật đặc vụ Scully.

Hiện tại, Smith là nghiên cứu viên tại Đại học Otago, New Zealand, tập trung nghiên cứu thực khuẩn thể - những loại virus tiêu diệt vi khuẩn. Với tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, thực khuẩn thể là giải pháp tiềm năng cho các bệnh nhiễm trùng không thể chữa trị. "Tôi luôn bị cuốn hút bởi ý tưởng khám phá những điều mà chưa ai biết", Smith chia sẻ.

Dám theo đuổi đam mê

TS Kaye Minkyung Kang, giảng viên tại Đại học Sydney, bắt đầu yêu thích khoa học từ niềm đam mê lặn biển. Là một giáo viên dạy lặn, cô bị mê hoặc bởi vẻ đẹp huyền bí của thế giới dưới lòng đại dương, đến mức thôi thúc cô tìm hiểu sâu hơn về nó. 

Tuy nhiên, con đường theo đuổi khoa học của cô không hề suôn sẻ khi không nhận được sự ủng hộ từ gia đình.

"Tôi đến từ Hàn Quốc, xuất thân từ một gia đình rất truyền thống, và họ cho rằng phụ nữ không nên làm khoa học. Họ tỏ ra vô cùng hoài nghi về quyết định học tiến sĩ của tôi. Nhưng tôi tin rằng quan trọng nhất là tin tưởng vào trực giác và dám theo đuổi đam mê của chính mình", Kang nói.

Niềm đam mê ấy đã dẫn Kang đến những nghiên cứu đóng góp tích cực vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Cô tập trung phát triển quy trình chuyển đổi chất thải carbon thành hóa chất hữu ích cho ứng dụng nông nghiệp và công nghiệp. Cô cũng đang phát triển một quy trình chuyển đổi hiệu quả hơn sử dụng năng lượng mặt trời thay vì điện.

Kang khuyến khích các phụ nữ trẻ đừng ngần ngại theo đuổi đam mê của mình và đừng sợ mắc sai lầm. "Đừng để sự tiêu cực ngăn cản bạn, và hãy nhớ rằng khoa học phát triển từ thử nghiệm và sai sót. Thử thách là một phần của hành trình", Kang chia sẻ.

Từ Ai Cập đến Tasmania

Hành trình của TS Emily Roycroft đến với khoa học bắt nguồn từ niềm đam mê với lịch sử cổ đại khi còn nhỏ, được truyền cảm hứng từ bộ truyện "Cairo Jim". Ban đầu, cô theo học ngành khảo cổ học Ai Cập và di truyền học tiến hóa tại Đại học Monash, với dự định theo ngành y dược. 

Tuy nhiên, trong quá trình học, Roycroft nhận ra rằng nghiên cứu khoa học có thể là con đường để theo đuổi niềm đam mê thực sự của mình - tiến hóa và di truyền học.

Hiện tại, Roycroft tập trung vào việc bảo tồn các loài gặm nhấm bản địa của Úc. Cô nghiên cứu sức khỏe di truyền của các quần thể nhỏ còn sót lại trên các đảo ngoài khơi Tasmania, đánh giá khả năng thích nghi của chúng để tái du nhập vào các khu bảo tồn trên đất liền.

Cô nói: "Bảo tồn các loài này là điều cần thiết, không chỉ để duy trì đa dạng sinh học mà còn để khôi phục sự cân bằng trong hệ sinh thái của chúng ta".

Nguồn: Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm