Australia: Truyền cảm hứng cho trẻ em gái thổ dân tham gia STEM

Kim Ngọc
20/11/2024 - 07:58
Australia: Truyền cảm hứng cho trẻ em gái thổ dân tham gia STEM

Renee Wootton thực tập tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Los Angeles, Mỹ

Stacey Buckley là 1 trong số 5 học sinh đến từ New South Wales (Australia) được chọn tham gia trại huấn luyện Không gian của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào tháng 10 vừa qua.

Cô cho biết: "Em chưa từng nghĩ mình có cơ hội làm bất cứ điều gì liên quan đến lĩnh vực khoa học. Vì vậy, việc đến Mỹ và tham gia Trại Vũ trụ của NASA đã mở ra cho em một cánh cửa mà em không ngờ mình có thể chạm đến".

Cơ hội giúp thanh thiếu niên thổ dân phát triển kỹ năng

Trại được tổ chức tại Trung tâm Tên lửa và Vũ trụ Mỹ ở Huntsville, Alabama (Mỹ), thu hút thanh thiếu niên từ nhiều quốc gia tham gia các hoạt động về hàng không vũ trụ, du hành không gian và rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. 

Stacey tự hào khi đại diện cho cộng đồng thổ dân ở Australia. Cô mơ ước theo đuổi ngành Khoa học ở trình độ đại học và đang học các môn Hóa học, Khoa học Trái đất và Sinh học ở trường. Trong các hoạt động tại trại, Stacey đặc biệt hào hứng khi được trải nghiệm ghế trọng lực, mô phỏng sức hút của Mặt Trăng.

Chương trình trại huấn luyện của NASA được tài trợ thông qua quan hệ hợp tác mới giữa Học viện Cơ hội Thể thao Thổ dân Quốc gia (NASCA) và Học viện Thách thức Lãnh đạo toàn cầu Honeywell. 

NASCA, một tổ chức do người thổ dân điều hành tại New South Wales, hướng đến việc hỗ trợ học sinh thổ dân đạt được thành công trong học tập. Hayley Astill, Phó Giám đốc chương trình NASCA, là một người Gamilaraay Ularoi. 

Hayley cho biết, chương trình trại là cơ hội giúp thanh thiếu niên thổ dân phát triển kỹ năng và mở đường cho sự nghiệp trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).

Hayley nói thêm: "Phụ nữ thổ dân hiếm khi có được những cơ hội như thế này... Việc mở cánh cửa giúp các em khám phá thế giới là điều chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu".

Jasmine Wilson, học sinh lớp 12 đến từ cộng đồng Kamilaroi và Wiradjuri tại Trường Trung học Tempe, phía tây Sydney, hy vọng trải nghiệm này sẽ nâng cao kỹ năng lãnh đạo của mình.

Jasmine chia sẻ: "Em tin rằng chương trình này sẽ giúp em tự tin hơn, đặc biệt là khi em có thể gặp gỡ nhiều người và đại diện cho văn hóa, trường học của mình".

Cô Sharee Bourke, giáo viên khoa học của Jasmine, nhận thấy ngày càng nhiều trẻ em gái quan tâm đến các môn khoa học như Vật lý và Hóa học. 

Australia: Truyền cảm hứng cho trẻ em gái thổ dân 
tham gia STEM- Ảnh 1.

Stacey Buckley là 1 trong số 5 học sinh đến từ New South Wales (Australia) được chọn tham gia trại huấn luyện Không gian của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào tháng 10 vừa qua.

Cô chia sẻ: "Mọi thứ đã thay đổi, thật tuyệt vời... Tôi tự thấy mình là hình mẫu để phụ nữ và các bé gái bước vào lĩnh vực khoa học. Thật vui khi chứng kiến các em tự tin khám phá Khoa học và thể hiện bản thân mình".

Lựa chọn theo đuổi đam mê

Renee Wootton, một phụ nữ người Tharawal, đã quen với việc bay lên tầm cao. Kỹ sư hàng không vũ trụ này đang thực tập tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Los Angeles (Mỹ), với ước mơ trở thành phi hành gia thổ dân đầu tiên của Australia. 

"Hiện tôi đang thực hiện một dự án nghiên cứu giai đoạn đầu cho các chuyến thám hiểm không gian trong tương lai. Đây thực sự là một điều rất tuyệt vời", cô chia sẻ. Lớn lên ở Queensland, cô là người đầu tiên trong gia đình vào đại học và cũng là người đầu tiên theo đuổi ngành hàng không. Năm 15 tuổi, Renee gia nhập Học viện không quân- một cơ hội mà cô nói đã "thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi".

Cô chia sẻ: "Bạn không thể hình dung hết những cơ hội đang chờ đợi mình phía trước. Mỗi khi tôi chọn theo đuổi đam mê và mục tiêu của mình là phát triển ngành hàng không vũ trụ toàn cầu, tôi cảm thấy như những cánh cửa đã mở ra theo cách mình không ngờ tới". 

Từ đó đến nay, Renee đã tham gia dự án Sân bay quốc tế Tây Sydney, lãnh đạo chiến lược tuyển dụng cho người thổ dân tại Tập đoàn Qantas và hiện là Giám đốc phát triển thị trường mới tại Công ty công nghệ sinh học Lanzajet.

Nguồn: ABC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm