Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ |
Sáng 16/11, đại biểu Cao Thị Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi về giải pháp và quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảm thiểu vấn đề bạo lực học đường diễn ra thời gian qua?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận bạo lực học đường là vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội và có xu hướng gia tăng. Trong số 22 triệu học sinh, sinh viên, theo ông Nhạ, số có bạo lực, có hành vi xuống cấp về đạo đức lối sống thì “chỉ là bộ phận nhỏ”. Tuy nhiên, chính bộ phận này làm “vẩn đục” và làm xu hướng xuống cấp đạo đức, lối sống ngay từ nhỏ của một thế hệ học sinh, sinh viên có nguy cơ “không kiểm soát được”.
Ông Nhạ cho rằng nguyên nhân “không chỉ trong ngành giáo dục”, còn cả gia đình, xã hội và mặt trái của kinh tế thị trường. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng thẳng thắn “nhận trách nhiệm đầu tiên” và phải giáo dưỡng ngay từ nhỏ học đạo đức, giáo dục công dân” cho học sinh.
Đại biểu Cao Thị Xuân,đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa |
Ông Nhạ cho biết thêm, kỳ thi năm 2016 đưa môn giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp. Môn này có thi thì học sinh mới học, qua đó góp phần vào việc giảm bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Cạnh đó, xây dựng chương trình giáo dục công dân thực tế, thiết thực với cuộc sống và phải đào tạo đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp của môn này từ bậc tiểu học, trung học cơ sở.
Tiếp tục vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đoàn ĐBQH Hà Nội cho rằng, hiện tượng tiêu cực, bạo lực học đường gần đây, thậm chí thầy cô chửi mắng học trò, vấn đề tội phạm vị thành niên tăng trong nhà trường. Bộ đưa môn giáo dục công dân vào để bắt buộc học sinh học và thi, nhưng sẽ ra sao nếu như vẫn học lệch, học tủ và biện pháp nào để chấn hưng đạo đức học đường nếu biện pháp chỉ bằng 1 môn học?
Tiếp tục giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: vấn đề đạo đức, bạo lực học đường đang rất nổi cộm, nóng nhất trong giáo dục hiện nay. Cạnh việc giáo dục qua sách giáo khoa, môn học, theo Bộ trưởng Nhạ, còn tổ chức nhiều hoạt động khác và giáo dục đạo đức, lối sống bằng những tấm gương, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động chia sẻ cộng đồng, giúp học sinh cảm nhận tốt hơn.