pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thi THPT Quốc gia 2020: Giảm tải chương trình, công bố đề thi minh họa
Chỉ giảm tải chương trình, không giảm môn thi
Dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp gia tăng khiến 63 tỉnh, thành phố tiếp tục đóng cửa, chưa đón học sinh quay lại trường. Sự xáo trộn gây ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh lớp 12 với kỳ thi THPT Quốc gia khi lịch thi đã lùi đến hai lần theo thông báo của Bộ GD&ĐT. Kế hoạch ôn tập thay đổi, khiến Bộ đã có một số động thái nhằm giảm tải cho sĩ tử.
Về những thay đổi mới nhất của kỳ thi, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, bộ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể, Bộ sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường. Đồng thời, Bộ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo phù hợp với nội dung giảm tải, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Đây được xem là một tin vui cho sĩ tử, khi trước đó, Bộ GD&ĐT quyết định chủ trương không công bố đề minh họa.
"Chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020; đồng thời sẵn sàng tham gia tổ chức kỳ thi và làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động bám sát diễn biến của dịch để có các giải pháp phù hợp trong dạy học và thi theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh, phụ huynh và học sinh vì thế không nên quá lo lắng"– ông Mai Văn Trinh cho hay.
Dự kiến, quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố trong tháng 3. Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Những điều chỉnh của quy chế thi năm nay chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy, các thí sinh yên tâm, tập trung học, ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.
Liên quan đến đề xuất của một số chuyên gia về việc giảm bớt môn thi để giảm áp lực cho thí sinh, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) khẳng định cơ cấu tổ chức kỳ thi cơ bản giữ nguyên. Kỳ thi THPT Quốc gia phải thực hiện theo đúng quy chế. Do dịch bệnh, các trường phải nghỉ học trong một thời gian, bộ sẽ nghiên cứu để giảm tải nội dung thi phù hợp với tình hình thực tiễn.
"Về số lượng bài thi, môn thi, chúng ta vẫn phải thực hiện theo Thông tư đã ban hành. Hiện nay, bộ đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước 15/7 và lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ 8 đến 11/8. Hi vọng hết tháng 3 hoặc sang tuần đầu của tháng 4, học sinh có thể đi học trở lại thì quỹ thời gian đảm bảo cho học sinh có thời gian học tập, ôn tập để chuẩn bị thi. Cùng với đó, bộ cũng đang có hướng dẫn để các nhà trường có thể dạy học qua internet và trên truyền hình" – ông Thành cho hay.
Sớm cụ thể hóa chương trình giảm tải
Những thay đổi trên được xem là nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc giảm bớt áp lực đối với sĩ tử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chủ trương này nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và phụ huynh học sinh. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tổ chức thi THPT quốc gia gọn nhẹ hơn. "Đặc biệt cần giảm độ khó của đề thi, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Bởi các em có kỳ nghỉ dịch Covid-19 quá dài, lượng kiến thức ôn tập không được xuyên suốt như trước đây" – thầy nói.
Còn theo chị Lê Mỹ Anh (phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), phương án giảm tải của Bộ GD&ĐT cần được sớm triển khai về các trường, ngay trong giai đoạn học từ xa, học qua truyền hình, để giáo viên và học sớm có kế hoạch thu gọn lại chương trình ôn tập. Số lượng bài ôn tập trong mỗi môn thi cần cắt giảm bao nhiêu, cắt giảm ở những phần nào, theo nữ phụ huynh cần được sớm xem xét và công bố.
"Nếu theo dự kiến thì các con sẽ phải ôn tập trong giai đoạn tháng 6,7 rất nắng nóng, với lượng kiến thức ôn thi như hiện nay thì khó lòng đảm bảo được sức khỏe và tinh thần cho các con. Bớt chương trình mà vẫn đảm bảo được tính phân hóa trong việc ra đề, theo tôi đó là cách tốt nhất có lợi cho cả người thi lẫn các trường trong quá trình xét tuyển về sau" – chị Mỹ Anh phân tích.
Liên quan đến việc giảm bớt môn thi, chị Mỹ Anh cho rằng việc này không cần thiết, bởi cả quá trình học, các con đã chuẩn bị tâm thế cho số lượng các môn thi mang tính ổn định, đồng thời tính toán sâu hơn đến việc lựa chọn khối thi dựa trên nền tảng các môn thi. Hơn nữa, thay đổi cơ cấu môn thi cũng gây xáo trộn không cần thiết đến toàn bộ quy trình thi đã được chuẩn bị và vận hành.
"Cốt lõi vẫn là đề thi và phạm vi ôn tập, bởi lâu nay các con đều phải "gánh" một khối lượng bài vở không hề nhỏ trong kỳ thi. Nhân cơ hội này, nếu các năm tới đều xác định giảm nhẹ khối lượng kiến thức, tập trung vào việc ra đề sáng tạo, có vận dụng cho các con thì tôi nghĩ sẽ là sự thay đổi lớn trong tư duy về thi cử ở nước ta hiện tại" – chị nói.