Thị trường 'nóng' sát ngày lễ Phật Đản

17/05/2016 - 16:45
Gần đến ngày lễ Phật Đản, ngoài những mặt hàng quen thuộc như đèn lồng, cờ Phật giáo.., thị trường thực phẩm chay cũng trở nên nhộn nhịp, sôi động với đa dạng chủng loại. Bên cạnh đó, các tour du lịch tâm linh cũng thu hút khá đông du khách...

Ngon mắt” với thực phẩm chay

Thực phẩm chay trước đây chỉ bó hẹp trong thực đơn của các món đậu phụ, chao tương, hủ tiếu, cơm mì… nhưng hiện đã được bổ sung nhiều loại khác, như: Chả giò, xúc xích, nem, viên chiên, lạp xưởng… được đóng gói, hộp rất tiện dụng. Hầu như thực phẩm mặn có gì thì thực phẩm chay cũng tìm cách 'sao y bản chính' như vậy!

Người tiêu dùng có thể chọn thực phẩm chay từ hàng khô, gia vị, sản phẩm đông lạnh đến các mặt hàng chế biến sẵn, ăn liền. Bên cạnh các món ăn phổ biến, quen thuộc như mì căn, tàu hũ ky, sườn non, tôm, mề gà,…'góp mặt' vào thực đơn đãi tiệc còn có heo sữa quay, gà phát tài, chả lụa, chả quế, chả cá, nem chua… Tại thị trường TP.HCM hầu hết thực phẩm chay đóng gói sẵn có giá khá 'mềm', chỉ khoảng 13.000 - 35.000đ/gói (120 - 250g) và 62.000 - 120.000đ/kg, vịt hầm măng đóng hộp từ 15.000đ/hộp, gà nấu đậu, la gu bò 23.500đ/hộp, ham gà đóng hộp hoặc ham thịt đóng hộp từ 45.000đ/gói 0,5 kg, thịt xào chua ngọt 20.000đ/5 miếng, chà bông gà 25.000đ/hộp, mì gói từ 3.500 – 6.700đ/gói, ruốc nấm hương 300.000đ/250g,… Năm nay, thị trường có thêm nhiều thực phẩm chay mới như thịt dê, cừu chay (195.000đ/kg); tương đậu Hàn Quốc, mì chay nấm nhiều mẫu mới và các loại cá hồi, ba sa, điêu hồng, tai tượng…

pate-gan-ngong1.jpg

Theo đại diện các siêu thị, xu hướng tiêu dùng thực phẩm chay đang có sự thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây, các loại thực phẩm công nghệ tiêu thụ tốt thì năm nay, khách hàng chuyển hướng sang các loại rau củ quả, nấm, rong biển, đậu hũ, mì… Tại khu vực bán đồ thực phẩm với nhiều mặt hàng đồ Tây như mì Ý, phô mai, bơ... cũng được nhiều người tò mò tìm mua. Tuy nhiên, những sản phẩm này khá kén người mua do giá cao, như bơ, phô mai chay thường có giá trên 150.000đ/hộp. Trong khi đó tại các chợ, những ngày gần đây nấm rơm luôn trong tình trạng 'cháy hàng', giá cả bắt đầu nhích nhẹ, 1kg tăng lên 5.000 - 8.000 đồng (khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại)... Theo các tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), thời tiết nắng nóng liên tục cộng với nhu cầu ăn chay vào dịp lễ Phật đản khiến nhiều mặt hàng tăng giá. Tại thị trường Hà Nội thực phẩm chay có giá bằng khoảng 2/3 so với thực phẩm mặn cùng loại. Giò 90.000 – 95.000đ/kg; chả lụa 100.000đ/kg, chả nấm 110.000đ/kg, chả bó sả 85.000đ/kg, chả quế, chả cốm 75.000 – 80.000đ/kg; ruốc khoảng 170.000đ/kg. Các loại thịt gà chay, thịt ba chỉ có giá từ 80.000 – 100.000đ/kg. Một số loại nước chấm chay như tương, nước mắm, nước mắm gừng… có giá khoảng 10.000đ/chai nửa lít. Thời gian gần đây thực phẩm chay trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng nhẹ từ 5.000 – 10.000đ/kg vì lí do e ngại với các thực phẩm làm từ động vật, người tiêu dùng đã chuyển qua đồ ăn chay nhiều hơn.

nam.png
 Nấm luôn trong tình trạng 'cháy hàng' dịp lễ Phật Đản

Chị Đặng Diệu Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết gia đình chị thường ăn chay vào các ngày mùng 1, ngày rằm hàng nên đã quen với việc nấu các món chay. Nguyên liệu không rẻ, nhưng nếu biết lựa cũng không quá đắt. Chị thường kết hợp vừa đi chợ, vừa mua đồ ở siêu thị để có được món chay ngon cho cả nhà. Các loại thực phẩm chế biến và gia vị bán rất nhiều tại siêu thị..., còn các loại rau củ phải mua tại chợ. 'Bình quân mỗi bữa chay tiêu tốn từ 180.000 - 200.000đ cho cả gia đình khoảng sáu người ăn, rẻ hơn nhiều ngoài tiệm' - chị Minh nói.

So với trước đây thì hiện nay có khá nhiều nhà hàng chuyên phục vụ thức ăn chay hoặc thêm một số món chay bên cạnh thực đơn chủ đạo của quán. Đặc biệt lượng khách ở những nơi này khá đông và thường xuyên trong tất cả các ngày trong tuần chứ không chỉ tập trung vào các ngày rằm, lễ. Và điều tất nhiên các món ăn tại đây thường rất phong phú, được chế biến tinh tế, trình bày bày đẹp mắt và giá cũng cao hơn bên ngoài nhiều mặc dù cùng là các nguyên liệu rau củ, nấm, các loại bột, đậu hũ. Một bữa ăn giá khoảng 450.000 – 1.200.000đ cho khoảng 5-12 món, trung bình 70.000 – 80.000đ/món đó là chưa kể giá sẽ tăng hơn trong những ngày rằm, lễ.

Phong phú các tour du lịch tâm linh

Loại hình du lịch tâm linh với các tour hành hương trong và ngoài nước được một số doanh nghiệp tổ chức ngày càng nhiều. Đây là một hình thái du lịch đặc thù, mỗi chương trình tour phải đồng thời thỏa mãn các nhu cầu: thưởng ngoạn, thư giãn và tín ngưỡng của du khách. Với loại hình du lịch này, các tour thường được thiết kế đi trong 1 ngày, hoặc 2 ngày phù hợp với thời gian và mức chi phí của du khách. Chỉ từ 450.000đ đến 2 triệu đồng, du khách có thể lựa chọn được điểm đến và thời gian khởi hành tour, kết hợp với tham quan thắng cảnh

Ngoài các tour du lịch tâm linh truyền thống được rất nhiều du khách quan tâm và tham gia như: Tour Yên Tử, Chùa Hương, Chùa Ba Vàng, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương,  Đền Cửa Ông, Thiền Viện Cái Bầu, Chùa Bái Đính, Đền Vua Đinh Lê, Động Địch Lộng, Chùa Non Nước... Các công ty du lịch tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa điểm đến nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách như: Chương trình thăm quan Đền Hùng, tổ mẫu Âu Cơ, Chùa Cao Linh, Đảo  Hòn Dấu, Đền thờ Nam Hải Thần Vương, Côn Sơn – Kiếp Bạc, Đền thờ Chu Văn An, Đền Nguyên Phi Ỷ Lan, Đền Thượng Lào Cai – Đền Mẫu Sapa, Chùa Phổ Minh, Đền Trần, Đền Bảo Lộc, Phủ Giày…

chua1.jpg
 Chùa Bái Đính, điểm hành hương luôn thu hút khách thập phương.

Đại diện công Ty du lịch TST cho biết : 'Lễ Phật Đản tuy không phải là mùa cao điềm hành hương nhưng năm nay 2 tour đi Chùa Bái Đính (Ninh Bình) và Thiền Viện Trúc Lâm (Vĩnh Phúc) có lượng khách tăng cao. Bên cạnh đó các tour đi nước ngoài như Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal cũng có lượng khách đáng kể'.

Để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Treviettour đã hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình để phục vụ tốt nhất trong mùa lễ hội 2016 tới đây. Bằng việc đầu tư thêm rất nhiều xe du lịch chất lượng cao từ 4 đến 45 chỗ có thể giải quyết mọi nhu cầu đi lại của khách du lịch trong thời gian lễ hội diễn ra.

Song song với việc chọn thời điểm, địa điểm, các hãng lữ hành cũng cần xây dựng chương trình để đưa vào tour khai thác phục vụ cho từng dòng khách, từng thị trường theo lứa tuổi giới tính. 'Với tour du lịch tâm linh, nhà cung cấp phải đặc biệt quan tâm tới từng nhu cầu nhỏ nhất theo tâm lý của khách. Có như vậy mới thành công và mang lại hiệu quả kinh tế', ông Trương Quốc Bình – GĐ Cty du lịch Thiên Long phân tích.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm