Thị trường suất ăn công nghiệp: Khan hiếm nguồn cung thực phẩm sạch

20/03/2019 - 15:03
Nguồn thực phẩm sạch đầu vào để cung ứng suất ăn công nghiệp số lượng lớn cho các khu công nghiệp, trường học vẫn còn khan hiếm. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý lĩnh vực ATVSTP còn chồng chéo và chưa rõ ràng.
Chỉ tính riêng Hà Nội, theo  Sở Y tế Hà Nội, có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 2.900 bếp ăn tập thể, mỗi ngày cung cấp gần 944.000 suất ăn. Hiện tại, Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, với khoảng 150 ngàn công nhân. Trong đó có khoảng 234 bếp ăn tập thể và mỗi bếp ăn phục vụ từ 80 đến 3.000 suất ăn/ngày. 
 
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Đoàn Tất Chiều, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Quốc tế Hà Thành (HASECA), cho biết: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nên ngày càng nhiều các doanh nghiệp có quy mô lao động lớn. Vì vậy, những năm gần đây nhu cầu về suất ăn công nghiệp tăng nhanh. Việt Nam cần có những doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp chuyên nghiệp. Đảm bảo đầy đủ quy trình VSATTP, kiểm soát nghiêm ngặt quy trình sản xuất đặc biệt là sử dụng nguồn thực phẩm sạch, an toàn trong các bữa ăn.
 
Hoạt động trong lĩnh vực cung ứng suất ăn công nghiệp hơn 10 năm nay, ông Đoàn Tất Chiều cho biết: Một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá. Có những doanh nghiệp làm việc trong ngành sử dụng nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP. Vì vậy, chi phí sản xuất của họ ở mức thấp, làm ảnh hưởng rất lớn với những doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
 
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp, bởi chỉ cần 1 sơ xuất nhỏ, bất cẩn hoặc thiếu trách nhiệm của 1 người cũng có thể gây ra mất VSATTP, thậm chí là ngộ độc. Trong khi đó, “Haseca gặp nhiều khó khăn trong việc tìm các nhà cung ứng thực phẩm sạch, thậm chí tại một số địa phương chúng tôi không thể tìm được nhà cung cấp”, ông Chiều nói.
 
Đối với đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp, để đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm đầu vào, cùng với sự ổn định về giá thành và chất lượng, phần lớn các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí lớn cho nguồn thực phẩm đầu vào; hợp tác với các hợp tác xã cung ứng rau sạch taị địa phương, thường xuyên tổ chức công tác đào tạo cho lao động tại các hợp tác xã. Đặc biệt là đầu tư các loại máy kiểm tra rau đảm bảo chất lượng.
 
Mặt khác, nguồn lao động cũng là một bài toán khó, vì đặc trưng lao động của ngành này khá kén người, đòi hỏi trách nhiệm và sự tận tâm rất cao từ người lao động.
 
Ông Chiều đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm minh những trường hợp kinh doanh gian dối, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời cần có những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, chi tiết hơn về ngành kinh doanh suất ăn công nghiệp. Đây sẽ là căn cứ và cơ sở, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển đồng thời xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp làm ăn gian dối.
suat-an-cong-nghiep-1.jpg
Có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có gần 2.900 bếp ăn tập thể, mỗi ngày cung cấp gần 944.000 suất ăn. Ảnh minh họa

 

Trách nhiệm quản lý ATVSTP vẫn chưa rõ
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: Năm 2018 Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã ra nghị quyết chuyên đề. Những vụ việc phát hiện ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chỉ những vụ việc rất nghiêm trọng thì mới được phát giác sớm và được dư luận quan tâm, còn những vụ việc không gây hậu quả ngay tức thì vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ mà chúng ta không kiểm soát được.
 
Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần phải quan tâm, nhưng lại được phân công cho nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm mà vai trò của các cơ quan chịu trách nhiệm chính lại không rõ. Sản xuất nông sản, sản xuất thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng kiểm soát về lưu thông là Bộ Công thương, kiểm soát về thức ăn được chế biến lại là Bộ Y tế, thực phẩm vào trong các nhà trường thì lại có Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn về mặt quản lý chung thì có vai trò của chính quyền địa phương. Thế nên, ở đây có sự chồng lấn về trách nhiệm, không có sự phân trách nhiệm rõ ràng.
 
Theo ông Thắng, cần phải rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, có quy trách nhiệm rõ hơn. Thứ hai là phải xem lại các chế tài về mặt xử lý đã đủ mạnh chưa. Nếu chưa thì phải đề xuất tăng chế tài để xử lý các vụ việc vi phạm có đủ tính răn đe.
 
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để các cơ quan liên quan, đặc biệt là các đơn vị quản lý trực tiếp như các nhà trường, nơi có bếp ăn tập thể, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm phải ý thức được trách nhiệm của mình và thực hiện tốt cam kết với xã hội. 
suat-an-cong-nghiep-2.jpg
Ảnh minh họa
 

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa với hành vi cung cấp thực phẩm bẩn đối với tổ chức là 200.000.000 đồng. Trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 05 lần đến 07 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

Trường hợp cơ quan điều tra kết luận có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự “Tội vi phạm quy định về ATTP”.

Căn cứ vào quy định này, mức hình phạt cao nhất có thể được áp dụng là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm