Thiết bị tiết kiệm điện: Chiêu trò lừa đảo khách hàng?

Anh Quân
02/07/2020 - 19:00
Thiết bị tiết kiệm điện: Chiêu trò lừa đảo khách hàng?
Không phải là sản phẩm mới nhưng cứ đến mùa nắng nóng kéo dài, thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo có tính năng tiết kiệm điện từ 30% đến 50% lại trở thành chủ đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Công dụng thực tế có như mong muốn?

Sử dụng thiết bị tiết kiệm điện rất đơn giản bằng cách cắm trực tiếp sản phẩm vào ổ cắm điện trong gia đình, khi đó các sản phẩm sử dụng điện khác như tivi, điều hòa, tủ lạnh,... khi hoạt động sản phẩm tiết kiệm điện sẽ tối ưu hóa toàn bộ công suất của thiết bị điện đó. Còn bạn hãy chờ và theo dõi hóa đơn tiền điện của nhà bán điện tháng tiếp theo.

Cứ mở máy tính, điện thoại ra là những dòng giới thiệu, quảng cáo về loại thiết bị có thể tiết kiệm điện tiêu dùng như trên "đập" ngay vào mắt, thu hút nhiều các chị em "tay hòm chìa khóa". Nhìn lại hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt, không ít người đã tìm kiếm các loại thiết bị, thẻ thông minh tiết kiệm điện đang được rao bán khắp mọi nơi. Không phải là sản phẩm mới, nhưng cứ đến mùa nắng nóng kéo dài, thiết bị tiết kiệm điện lại trở thành chủ đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Loạn giá, loạn cả chất lượng

Tìm hiểu về chiếc máy tiết kiệm điện công nghệ Đức đang thu hút sự chú ý của chị em trong thời gian này, phóng viên PNVN và chị Thu Phương (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hoa mắt trước hàng loạt mức giá được chào bán trên các trang thương mại điện tử.

Cùng là sản phẩm có tên gọi Power factor Saver, có màu sắc vàng nâu kết hợp xanh đen, có kích thước 11.5 x 6.5 x 3.2cm, nhưng mỗi nơi chào bán một mức giá khác nhau. Điều đáng lưu ý là giá bán giữa các shop chênh lệch lên tới gần chục lần. Cụ thể, trên Tiki, thiết bị tiết kiệm điện này được bán với giá chỉ 69.000 đồng, 96.000 đồng. Trong khi đó, trên Lazada, thiết bị có giá bán từ 290.000 đồng đến 350.000 đồng. Còn tại một shop bán hàng trên mạng xã hội, thiết bị này có giá tới 590.000 đồng.

Loạn thiết bị tiết kiệm điện - Ảnh 1.

Thiết bị tiết kiệm điện với giá bán gây nhiều tranh cãi cho người tiêu dùng trên chợ mạng

Tùy theo giá bán, thiết bị tiết kiệm điện Power factor Saver được giới thiệu có thể giúp tiết kiệm điện tiêu thụ từ 10% đến 30%, thậm chí nhiều nơi còn quảng cáo thiết bị này là "siêu tiết kiệm điện", giúp tiết kiệm điện tới 50%. Tất nhiên, giá bán càng cao, thì người bán giới thiệu khả năng tiết kiệm điện càng lớn.

Hiện nay trên thị trường, thiết bị tiết kiệm điện được bán rộng rãi, đặc biệt là trên chợ mạng, kích thước nhỏ gọn bằng nửa lòng bàn tay người lớn, với các tên gọi như Electric saving box, Hộp tiết kiệm điện thông minh, thẻ tiết kiệm điện… 

Thiết bị kiệm điện thông minh, thẻ tiết kiệm điện... được bán rộng rãi trên thị trường

Những thiết bị này chỉ cần cắm vào nguồn điện trong nhà là đã có thể sử dụng. Bên cạnh hạn chế năng lượng tiêu hao, nhiều sản phẩm còn được gắn thêm một số tính năng như có thể kéo dài tuổi thọ, làm giảm bức xạ điện từ có hại… Giá trung bình của các sản phẩm này thường dao động trong khoảng từ 200.000 đồng đến dưới 400.000 đồng. Vì muốn tiết kiệm điện cho gia đình, nhiều người đã không ngại chi tiền để mua thiết bị tiết kiệm điện.

Cẩn trọng kẻo mất tiền oan, vi phạm pháp luật

Tập đoàn điện lực Việt Nam đã liên tục đưa ra cảnh báo quảng cáo không đúng sự thật về thiết bị tiết kiệm điện, thẻ tiết kiệm điện thông minh được quảng cáo trên mạng có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ. Các thiết bị này hoàn toàn không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo. Kiểm chứng thực tế của các chuyên gia kỹ thuật cho thấy hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ ở mức lớn như vậy.

Loạn thiết bị tiết kiệm điện - Ảnh 3.

Các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo quảng cáo không đúng sự thật về các loại sản phẩm tiết kiệm điện

Về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Có thể nói, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm