Thơ Ngọc Lê Ninh: Tiếng nói của tri âm

Hoàng Minh Thảo
10/01/2023 - 20:51
Thơ Ngọc Lê Ninh: Tiếng nói của tri âm

Nhà thơ Ngọc Lê Ninh

“Thơ là tiếng nói của tri âm - không có tri âm thì cuộc đời nghèo đi biết mấy..” - Nhà giáo Nguyễn Phan Cảnh (con trai cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh) từng nói. Khi nhắc đến thơ Ngọc Lê Ninh, tôi lại nhớ những lời này...

Tôi quen Ngọc Lê Ninh từ nhiều năm nay. Anh tên thật là Lê Ngọc Ninh, sinh năm 1969 ở một làng quê gần biển thuộc xã Hải Nhân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Những năm tháng sinh viên của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, anh may mắn được theo các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến đi đọc thơ tại các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội. Đó là một trong những động lực tiếp thêm đam mê thơ để anh viết nên những bài thơ chan chứa tình yêu cuộc sống, yêu con người. Thơ anh thể hiện những quan sát, cảm nhận và trải nghiệm nhiều sắc thái cuộc đời…

Năm 2017, Ngọc Lê Ninh tham gia lớp học phê bình, lý luận văn học ngắn hạn ở trường Viết văn Nguyễn Du. Lớp học đó là một trải nghiệm bổ ích, tại đây anh được bổ sung nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý báu, được giao lưu với nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ, bồi bổ thêm tâm hồn và năng khiếu thơ vốn có.

Hơn 30 năm miệt mài trong cương vị của một nhà khoa học, Ngọc Lê Ninh từng nhận nhiều giải thưởng khoa học về công nghệ nổ mìn thân thiện với môi trường, về công trình nghiên cứu xử lý nước thải sinh hoạt, rác thải làm sạch môi trường… Dù rất bận rộn công việc của một nhà khoa học, nhà quản lý, Ngọc Lê Ninh vẫn chan chứa một tâm hồn thơ nhạc, miệt mài lao động, cống hiến cho nghệ thuật thi ca.

Từ những sáng tác đầu tay chưa mang nhiều dấu ấn, Ngọc Lê Ninh đã dần chinh phục độc giả và trở thành một hiện tượng khi gần đây, tác phẩm của anh liên tục được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Nga, Bồ Đào Nha và đăng tải trên nhiều trang báo nước ngoài. Anh cũng đã giành được giải thưởng thơ quốc tế ở Bỉ.

Đề tài trong thơ của Ngọc Lê Ninh thường có 3 mảng chính: Thơ thế sự, thơ tình yêu và thơ về môi trường. Thơ tình yêu của anh luôn thấm đậm tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, gia đình và những người thân, tình yêu cuộc sống. Tất cả đều rất nhân văn, tinh tế, mang nhiều cảm xúc mới mẻ, lạ, thể hiện sự trăn trở, tìm tòi, khám phá nhiều đề tài mới, tiếng thơ mới.

Đây là những câu thơ tình của anh: "Khi tình yêu vùng dậy/Đêm vỡ tan thành ngày/Gió vùng vằng đôi tay/Cuống cuồng ngàn lá đổ/Hì hục con sóng vỗ/ Đứt mình hòn đá trôi…", "Là cái thời đi lùng bắt con tim/Anh vấp ngã vào đời em rất lạ/Bằng hạnh phúc gối vào miền yên ả/Bằng sợi thương trói gọn chúng mình…".

Thơ về môi trường của Ngọc Lê Ninh thường đề cập được nhiều người quan tâm.  Anh luôn xót xa nghĩ về ô nhiễm môi trường, mất mát rừng, biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như trong bài "Hồn thiên tạo": Tôi đã qua những cánh rừng sắp chết/Vắng bóng chim không tiếng thú gọi bầy/Nghe khóc lóc những hồn ma thú khát/Nghe căm hờn sôi sục những lòng cây/Ai đã vắt cạn khô dòng sông suối?/Sỏi đá nằm khô khốc hóa đơn côi/Ai đã đốt rừng xanh mù mịt khói?/Tuổi cây tàn trong mắt thú lệ rơi!

Thơ Lê Ngọc Ninh: Tiếng nói của tri âm  - Ảnh 1.

Tập thơ "Đôi mắt thời @" sắp ra mắt của Ngọc Lê Ninh

Điều đặc biệt là với nhạc tính cao trong nhiều tác phẩm, thơ Ngọc Lê Ninh đã được phổ nhạc trở thành các ca khúc hấp dẫn, tiêu biểu là CD "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc" gồm 12 bài thơ anh viết từ năm 1987 cho tới nay. Đây là những bài được nhạc sĩ Trần Ngọc chọn lọc từ 3 tập thơ đã xuất bản và 2 bài của tập thứ tư sắp ra đời "Đôi mắt thời @". Các tác phẩm này đều là những bài thơ giàu nhạc tính mang âm hưởng trữ tình, rất hào hùng và sâu lắng

Trong đó, tác phẩm "Khúc tráng ca hai chiều Tổ quốc" là một ca khúc rất phù hợp các chương trình kỷ niệm, ngày lễ lớn, chuyển tải được cảm xúc hoành tráng hào hùng mà nhà thơ muốn thể hiện. Ở đây nhạc sĩ Trần Ngọc đã tinh tế tìm thấy ở thơ Ngọc Lê Ninh điều tri âm tri kỷ - như lời giảng viên Nguyễn Phan Cảnh tôi đã dẫn ở đầu bài.

Là giảng viên giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp, Trần Ngọc hầu như vẫn giữ nguyên lời thơ, chỉ dùng giai điệu, tiết tấu âm nhạc chắp cánh cho thơ Ngọc Lê Ninh đi vào lòng người. Các bài hát trong CD này được các ca sĩ nổi tiếng như Xuân Hảo, Lương Hải Yến, Phương Thủy, Thanh Thảo… thể hiện rất thành công.

Ngoài nhạc sĩ Trần Ngọc, còn nhiều nhạc sĩ khác cũng phổ thơ Ngọc Lê Ninh thành nhiều ca khúc hay như "Xuân" của Giáo sư – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, "Chưa thể đặt tên" của NSND Hoàng Anh Tú và "Sông ơi có biết của NSƯT Trần Tựa"…

Là một cán bộ môi trường, Ngọc Lê Ninh đã có những chuyến đi khắp các tỉnh thành, vùng miền cả nước và điều này cho anh nhiều trải nghiệm, nhiều gợi mở đề tài, tứ thơ. Anh hay làm thơ vào lúc nửa đêm. Điều may mắn là anh luôn được gia đình, vợ con ủng hộ. Vợ anh cũng từng tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội 2, rồi trở thành giảng viên Học viện Tài chính, thường cảm nhận và chia sẻ với đam mê của chồng. Hai cô con gái thông minh, giỏi giang, hiện đang du học, cũng luôn dành cho bố sự khích lệ và động lực lớn trong sáng tạo nghệ thuật.

Mấy năm trước, Ngọc Lê Ninh đã đón nhận những đứa con tinh thần chào đời: "Sau Vỡ cùng hy vọng" (2016), "Chưa thể đặt tên" (năm 2017), "Hạt mưa thầm" (năm 2018). Mùa xuân này, Ngọc Lê Ninh bước vào tuổi 54, anh sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện tập thơ thứ tư "Đôi mắt thời @" để sớm ra mắt độc giả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm