Hoàng Nhuận Cầm: Những câu thơ viết đợi mặt trời

Lương Xuân Thủy
08/06/2021 - 12:36
Hoàng Nhuận Cầm: Những câu thơ viết đợi mặt trời

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952-2021)

Hôm nay, 8/6/2021, là 49 ngày kể từ khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột ra đi. PNVN xin giới thiệu bài viết của nhà biên kịch Lương Xuân Thủy, bạn cùng lớp thuở sinh viên của ông, như một nén tâm nhang tưởng nhớ cố thi sĩ…

Lớp K15 Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp chúng tôi làm quen với thơ Hoàng Nhuận Cầm từ năm 1970. Hồi đó mới học năm thứ nhất nhưng Cầm đã có một số bài thơ đăng báo với bút danh Ánh Biếc. Cầm ham làm thơ lắm, nhiều đêm cứ khoác cái chăn chiến Nam Định đi lang thang trong ký túc xá để lẩm nhẩm làm thơ.

Học xong học kỳ một, khoa tổ chức cho chúng tôi về một số vùng quê để sưu tầm văn học dân gian. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, ngày ngày mang giấy bút đến nhà các cụ cao tuổi để ghi chép lại những làn điệu hát Rô, những câu ca dao, những huyền tích về chùa Thầy… Cầm cũng đi sưu tầm như chúng tôi nhưng lúc nào cũng khoác trên vai cây đàn ghi-ta, thỉnh thoảng bập bùng gảy vài giai điệu trong những bài nhạc xanh và … làm thơ.

Hoàng Nhuận Cầm ngồi ôm đàn , đầu tiên ở hàng đầu từ trái sang, hồi năm thứ nhất (1970) đi thực tập ở Hà Tây

Hoàng Nhuận Cầm ngồi ôm đàn , đầu tiên ở hàng đầu từ trái sang, hồi năm thứ nhất (1970) đi thực tập ở Hà Tây

Cầm đã nghe thấy:

"Lạo xạo hoàng hôn trai mở miệng nói lời vàng

Gầu va thành giếng nói lời trong và mát

Hoa xoan nói những lời trong bài hát

Chẳng bao giờ rõ tên

Hồi hộp là lời giọt sương đêm

Khấp khểnh tiếng chân trâu lời ngõ nhỏ

Lời lạ lắm hoa bưởi nào vừa nở

Đến dịu hiền lời cày cuốc ngoài kia

Lời phừng phừng những ngọn lửa kể chuyện khuya

Mới tháng bốn, lời đào còn chua chát

Phải đến tháng năm cơ! Lời mới ngọt môi người

Lách chánh chân chim lời vui của mây trời ...."

Và nhìn thấy:

"Xa trung du nên tôi chửa thấy đồi

Nhà đá ong âm thầm mang lời đất

Cây xấu hổ giấu bao nhiêu chuyện cổ

Mắc cỡ gì mà khép cánh ư em"

"Bỗng nghĩ đất nước mình chẳng thế mà thơ

Mỗi mảnh đất biết bao tình ấp ủ

Chuồn kim ơi thân dài cánh nhỏ

Em khâu gì ở trên áo xám của sườn non"

(Bức tranh dọc đường hành quân)

Thơ của Cầm hồi ấy đa số là vui, trong trẻo với những hoài niệm của tuổi thơ:

"Cây gạo già từng chùm buông nỗi nhớ

Và lá xòe như tiễn một hè qua

Lòng… còn da diết tiếng ve xa

Nắng mang đi đâu câu chuyện của bà

Bông hoa đỏ rơi vào trang cổ tích

Thành tâm tình đất nước tặng riêng ta

Từ lâu rồi kỷ niệm đã là hoa"

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều bài thơ vui đã có thấp thoáng những bài thơ buồn, chiêm nghiệm về nhân tình thế thái

"Nhẩm lại Tú Xương thương quê mình sông Vị

Lại nhớ tâm sự Nguyễn Du thân gái dặm trường

Lặng nghe tỳ bà hành với tiếng đàn ý nhị

Canh khuya đưa khách Bến Tầm Dương"

Học với nhau được một năm thì ngày 6/9/1971, Cầm cùng 20 bạn nam lớp tôi và hơn 10.000 sinh viên ở các trường Bách khoa, Xây dựng, Sư phạm, Thủy lợi … xếp bút nghiên lên đường ra trận. Cầm tự hào và vui lắm, làm thơ gửi về cho mẹ:

"Mẹ ơi mẹ vượt núi non

Dễ hơn vượt nỗi nhớ con đó mà

Con đi muôn dặm đường xa

Hái trong gian khổ bài ca gửi về"

Bắt đầu cuộc sống quân ngũ gian khổ nhưng thơ của nhà thơ chiến sĩ ấy vẫn toát lên cái trong trẻo của người lính sinh viên:

"Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm

Yêu chim mà chẳng lên thăm

Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im"

(Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt)

"Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu

Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ

Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có

Một hai ba giọng hát chú ve kim?"

(Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu)

Chiến trường thật gian khổ, và hình ảnh mẹ, hình ảnh của Tổ quốc cũng thật thiêng liêng và lãng mạn:

"Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói

Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

 Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay"

(Phương ấy)

Hình ảnh Tổ quốc theo Cầm trên những chặng đường hành quân:

"Mũ sắt bập bùng vỗ khúc hành quân

Bánh xe xiết xuống lòng đường bụi đỏ

Tổ quốc xiết vào lòng thương nhớ

Nòng pháo tràn mặt đất lúc bình minh"

(Hành khúc cao xạ pháo)

Hình ảnh của đất nước nhiều khi thắt lòng người lính trẻ:

"Đã rất gần ngày lớn lao kia

Ngày vui đến đầm đìa khuôn mặt

Có ai nói về hy sinh đất nước

Mà tim không thắt lại bao giờ"

(Buổi sáng trên chốt)

Đến phút hy sinh, điều người lính nghĩ đến vẫn là quê hương, đất nước:

"Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi

Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu

Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu

Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi…"

(Tôi không thể nào mang về cho em)

Hoàng Nhuận Cầm khi đã là lính cao xạ pháo (1972)

Hoàng Nhuận Cầm khi đã là lính cao xạ pháo (1972)

Người lính trong thơ Cầm dù trong hoàn cảnh gian khổ thế nào cũng vẫn trong sáng và lãng mạn, trong một bài thơ văn xuôi hình ảnh người lính hiện ra thật đáng yêu, nó át hết cái khốc liệt của chiến trường:

"Có làm thơ đâu mà gọi các anh là thi sĩ. Chiến trường các anh ở những vùng rất sâu. Sâu ở rừng xưa vốn đã sâu rồi. Sâu ở chiếc gùi đồng bào Pa Kô vượt mấy thung sâu đem nắm rau rừng cho bộ đội, sâu ở những hố bom sâu, sâu ở vết thương hoắm sâu vẫn ghì súng AK bắn giặc bốn bên ùa vào như châu chấu, sâu ở nỗi nhớ mùa mưa có thằng bạn đất chèo vẫn hát "sắp mưa ngâu"

(Những thi sĩ mà không làm thơ)

Những người lính ấy luôn sẵn sàng đi theo hướng súng để chiến đấu:

"Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ

Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi"

(Nhật ký)

Bao nhiêu năm sau, khi đã già rồi thì hình ảnh chiến trường vẫn luôn hằn sâu trong ký ức Cầm:

"Đèn khuya hắt bóng tôi ngồi nhớ

Bao nẻo đường rừng mưa vẫn rơi

Và những mặt người sau ánh chớp

Môi hồng như máu tuổi hai mươi"

(Phút giao thừa)

"Những làn khói từ chiến hào năm ấy

Chiều ba mươi lại lặng lẽ quay về

Tiếng cuối cùng đồng đội tôi gọi: Mẹ!!!

Bao năm rồi vẫn chưa hết tái tê..."

(Xuân ơi xuân)

Bên cạnh mảng thơ chiến tranh, thơ tình của Hoàng Nhuận Cầm vừa trẻ trung, vừa da diết. Cầm là người đào hoa nhưng lận đận trong tình duyên. Có lẽ vì thế mà thơ tình của Cầm hay đến nhói lòng. Những bài thơ như Chiếc lá đầu tiên, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu… đã đốn tim bao thế hệ học trò… 

Có một nhà thơ đã nói: "Yêu Cầm thì được nhưng lấy Cầm thì phải có tấm lòng bồ tát". 

Mối tình đầu không thành nên thơ Cầm thường láy đi láy lại cái tuổi 16 thơ dại:

"Thưa em mùa Thu toàn khoan dung

tóc thả ngang vai thời trang năm 87

và chuyến tàu đầu tiên đã chạy

góc đường Nguyễn Du, mẩu thuốc, dấu giày.

Có ai nhớ mình qua đây

năm mười sáu ngây thơ tình cúc dại

Cột đèn xưa hôm nay anh gặp lại

cái thằng trai khờ dại đón mưa về"

(Nến sắp tắt)

"Anh bất ngờ rơi xuống giữa tay em

Màu hoa trắng cuối cùng năm mười sáu

Những hừng đông nối nhau vào chiến đấu

Bao nốt trầm xa biếc lá me rơi..."

(Dưới màu hoa rất đỏ)

"Tình yêu nằm trong giàn hoa

Giấc mơ năm mười sáu tuổi

Hành trang cho suốt cuộc đời

Giọt nước mắt toa tàu cuối.

 Tôi tựa cửa chờ chính tôi

Tuổi thơ đi không trở lại

Trong trắng xa rồi xa mãi

Tan là tan vỡ mà thôi"

(Những thời vô tội)

Sau này, 3 cuộc hôn nhân đều tan vỡ, đã để lại trong lòng Cầm những vết thương khó lành:

"Quỳnh lẫn vào với hoa, hoa lẫn vào với lá

Anh lẫn vào những cuộc tình tơi tả đã bao năm

Khói lẫn vào với mây, mây lẫn vào xanh thẳm

Chưa kịp nhìn ... bóng nhạn đã xa xăm"

(Thơ Mộng Ảo)

Cuối đời, Cầm rất cô đơn, cặm cụi làm lụng để nuôi hai cậu con trai giáp út và út ăn học:

"Người ta bảo sau trời lại có trời

Nhưng ngoài Thơ, anh chẳng còn gì cả

Đông lại tới mang theo vài chiếc lá

Gõ ngập ngừng buốt giá xuống hai vai..."

(Mùa đông lại tới)

Nhưng dù cuộc đời có phũ phàng thế nào, thì Cầm vẫn luôn luôn nhân hậu:

"Mỏng mảnh thế, em đi im lặng thế

Thôi! Em lên đường, hạnh phúc cũng cùng theo..."

(Cùng với buổi chiều nay)

Cầm là người sống hết lòng với thơ và với mọi người thân.

Với em gái Hoàng Hương Anh nhân ngày sinh nhật:

"Anh của em đây xa cách xa

Cuốc cuốc con chim gọi nhớ nhà

Muôn dặm đường xa rồi ngắn lại

Tuổi anh lính trẻ mãi tuổi hoa"

Nếu đọc những từ đầu của từng câu thơ từ trên xuống dưới thì sẽ là "Anh cuốc muôn tuổi", ngụ ý một lời chúc sinh nhật.

Đối với em trai Hoàng Nhuận Kỳ:

"Em cùng khúc ruột với tôi

Tôi đi bộ đội em ngồi em mong

Những nơi lửa bắc cầu vồng

Là nơi có mặt anh Cầm của em"

Đối với mẹ Cầm lại càng da diết:

"Cho con đập quả tim ra

Chắp cây cầu để mẹ qua nỗi buồn".

 "Mẹ đã nghiêng nôi chấm vào giữa trời xanh

Chấm theo cả những khát khao đẹp nhất

Con ngước nhìn lên trời cao xanh ngút mắt

Mẹ hiện ra như mây trời trong khúc hát buổi đầu tiên"

Khi cha mất, Cầm đã khóc cha, nức nở nhắc đến những bài hát hay nhất của cha mình là Ngày vềMơ hoa:

"Trên trời xanh, dưới cỏ xanh

Vỡ đôi hạt lệ long lanh Ngày về

Cúi đầu lạy tạ sơn khê

Mơ hoa từng cánh rụng tê tái lòng

Con đường thẳng, con đường cong

Trái tim quặn thắt…

theo vòng bánh xe…"

Đối với các con, Cầm coi chúng như một điểm tựa:

"Các con là Ngọn lửa

Các con là Mầm xanh

Các con xòe tay đỡ

Cho bố chưa lìa cành"

Tết năm nay, cô con gái duy nhất ở xa vì dịch Covid không về ăn Tết được, Cầm đã khóc:

"Xuân này con gái không về

Một mình đón Tết ở quê hương người

Môi con vẫn nở nụ cười

Mà trong lòng bố lệ rơi âm thầm"

Sau rất nhiều những khổ đau, cuộc đời đã đền bù cho Cầm 4 đứa con hiếu thảo và ngoan ngoãn. Con gái cả, khi em vào đại học, đã gửi tiền về phụ giúp cho bố mua xe máy cho em và thường xuyên mua quần áo cho bố. Mừng là hai cậu giáp út và út khi cầm tiền bố đưa đều nói khe khẽ: "Chỉ bằng ngòi bút chân chính mà bố lo đầy đủ cho các con như thế này thì bố đúng là Siêu anh hùng!".

Giai đoạn sau, thơ Cầm buồn hơn, đắng đót hơn, chiêm nghiệm hơn về thân phận, về kiếp người:

"Lê thê qua trọn kiếp người

Ba trăm trăng lẻ vỡ lời thở than

Hương cong dấu hỏi tro tàn

Đường xa - xa tắp đôi bàn chân ai

Nuốt chưa xong cõi thở dài

Xác thân lật úp lá bài đêm xuân"

(Ba dấu chấm)

Cầm có nhiều bài thơ nhắc đến cái chết như Một mai, Thêm một vì sao, Tốt thôi đừng chết… Cái chết được nhắc đến thật bình tĩnh mà cũng thật buồn:

"Nếu tôi chết gia tài để lại

Thơ mấy bài nào có gì đâu

Nếu tôi chết trời xanh bình lặng

Thêm một vì sao nữa rụng rơi

Bạn ngồi uống cà phê có nhớ

Uống cả vì sao ấy hộ tôi"

(Thêm một vì sao…)

Hoàng Nhuận Cầm và các con

Hoàng Nhuận Cầm và các con

Cả cuộc đời mình Cầm đã lao động quần quật trên cánh đồng chữ nghĩa, cháy hết mình cho thơ và cho nghệ thuật.

Ngày 18/4/2021, Cầm còn đi giao lưu với các bạn trẻ Bắc Giang trong ngày hội sách. 

Ngày 19/4/2021, Cầm còn đi dự cuộc họp ra mắt các Hội đồng thẩm định ở Cục điện ảnh (Cầm ở Hội đồng thẩm định kịch bản). Nguyễn Thị Thu Huệ cũng tham dự cuộc họp đó và kể lại là Cầm phát biểu trong cuộc họp rất hay và truyền cảm hứng cho mọi người.

Chiều 20/4/2021, Cầm lặng lẽ ra đi, ngồi xếp bằng tròn trong tư thế kiết già, ra đi như một thiền sư. Cầm đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, không phiền lụy đến ai. Theo sách cổ thì "thiện chung" (Cái chết an lành) cũng là một loại phúc trong ngũ phúc!

Cầm ra đi đột ngột đã bỏ lại bao nhiêu dự định dang dở như in thơ, in sách, viết kịch bản điện ảnh... Trong đó có dự định Cầm hứa với K15 sẽ viết kịch bản một bộ phim dài tập về những mối tình của K15 mà Cầm nói đã có đủ tư liệu và sẽ hay hơn Chuyện tình Châu Giang (phim truyền hình dài tập của Trung Quốc, một thời chiếu trên VTV, đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả Việt Nam).

Cuốn Mùa thu tôi yêu tập 2 (lấy tên một bài thơ của Cầm) là cuốn kỷ yếu của K15 viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường có đăng nhiều bài thơ của Cầm xuất bản đã 6 tháng mà vì Cầm bận vẫn chưa đến nhà Hưng lấy về để đọc và nay thì vĩnh viễn Cầm sẽ không đọc được nữa!

Trong những tháng năm sống ở cõi tạm, Cầm đã không hề sống tạm:

Người sống một trăm năm

Một lần nhìn sen nở

Ta sống một ngàn năm

Để làm thơ lần nữa.

 Và một ngày ta sống

Sống như chưa bao giờ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm