Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp

An Khê
24/09/2022 - 13:55
Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp

Luật sư Đặng Thành Chung – Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Quyền sở hữu trí tuệ (Quyền SHTT) phải được doanh nghiệp (DN) ưu tiên quan tâm hàng đầu, vì quyền SHTT không chỉ là việc được ghi nhận tư cách chủ sở hữu mà còn là công cụ quan trọng tạo ra những giá trị tài sản, là trụ cột giúp tạo nên một nền móng vững chắc để DN phát triển lâu dài, vừng bền.

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

Quyền sở hữu trí tuệ có giá trị thế nào đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp. Thưa Luật sư?

Quyền SHTT là quyền pháp lý có ý nghĩa quan trọng. Nếu có thể làm tốt các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ ngay từ những viên gạch đầu tiên thì bất kể sản phẩm start-up của doanh nghiệp là gì những yếu tố này đều sẽ là những món tài sản có thể giúp DN sinh lời và được bảo vệ trong những vấn đề pháp lý liên quan. Ngược lại, nếu không chú trọng, DN có thể gặp phải rủi ro nghiêm trọng như: xâm phạm hoặc bị xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ, vướng vào các tranh chấp về SHTT… tổn thất vô cùng lớn và có thể khiến doanh nghiệp sụp đổ, phá sản.

Thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ khi khởi nghiệp - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Thành Chung (ở giữa) trong một buổi làm việc

Theo Luật sư, khi khởi nghiệp thì DN cần phải lưu ý những điều gì cơ bản nhất?

DN khởi nghiệp cần lưu ý tìm hiểu, xây dựng kế hoạch trong sáng tạo và bảo vệ các đối tượng SHTT của doanh nghiệp theo Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019 gồm:

- Đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

- Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.

- Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.

Ngoài ra, còn có điều gì cần lưu ý về SHTT đối với một doanh nghiệp mới khởi nghiệp không?

Có thể kể đến một số lưu ý như sau:

- Thứ nhất, ngay từ khi có ý tưởng khởi nghiệp, nếu có nhiều hơn một nhà sáng lập, chính các nhà sáng lập cũng phải ký thỏa thuận về quyền SHTT, thừa nhận các tài sản SHTT mình sáng tạo, đóng góp vào doanh nghiệp là tài sản SHTT thuộc sở hữu của DN khởi nghiệp. 

Mặt khác, để nhận diện thương hiệu của mình, DN cũng cần lựa chọn và đăng ký nhanh nhất có thể nhãn hiệu, logo, các tài sản SHTT khác giúp cho việc nhận diện thương hiệu, tránh những nhãn hiệu, logo thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc gây nhầm lẫn với các thương hiệu khác.

Thứ hai, giữa DN và đối tác cũng cần ký kết thỏa thuận liên quan để đảm bảo thông tin tài sản SHTT không bị tiết lộ, và quyền SHTT thuộc về DN trong từng trường hợp cụ thể.

Thứ ba, về nhân sự, DN cần thỏa thuận với người lao động (NLĐ) ký một số các thỏa thuận về quyền SHTT, theo đó NLĐ thừa nhận và đồng ý rằng bất kỳ tài sản SHTT như ý tưởng, sáng chế, … mà NLĐ tạo ra, phát triển trong thời gian làm việc tại DN, liên quan đến công việc là tài sản trí tuệ thuộc quyền sở hữu của DN. Ngoài ra, hai bên nên ký thỏa thuận bảo mật thông tin ràng buộc trách nhiệm của NLĐ ngay cả khi không còn làm việc cho doanh nghiệp, trong đó NLĐ cam kết không tiết lộ các thông tin được quy định tại thỏa thuận này và chịu trách nhiệm nếu tiết lộ, nhằm ngăn chặn và bảo vệ thông tin DN.

Đặc biệt, DN nên xây dựng hệ thống thông tin liên lạc nội bộ và quy định NLĐ bắt buộc sử dụng hệ thống này nhằm xác định rõ toàn bộ các thông tin dữ liệu, bao gồm toàn bộ thư điện tử, dữ liệu mà NLĐ được phép tiếp cận là tài sản của DN, ngăn ngừa việc tiết lộ thông tin tài sản được bảo hộ quyền SHTT của DN qua các phương thức điện tử.

Điều cuối cùng, quan trọng nhất là bất kỳ tài sản SHTT nào DN tạo ra, đặc biệt là tải sản SHTT liên quan trực tiếp đến giá trị cốt lõi của DN phải được thực hiện các thủ tục để đăng ký quyền sở hữu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký và nhận được văn bằng bảo hộ có tác dụng như một chiếc khiên bảo vệ trước các đối thủ cạnh tranh, bảo vệ khỏi nguy cơ bị bên thứ ba xâm phạm; tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trên thị trường, thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, tăng doanh thu đồng thời giúp thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, tăng giá trị của DN, thu hút và làm khách hàng có lòng tin vào chất lượng của sản phẩm cũng như uy tín của DN.

Cảm ơn Luật sư về buổi chia sẻ này!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm