Thoát nghèo nhờ ‘ép đất’ nở hoa

17/09/2019 - 17:09
Gắn bó với nông nghiệp ở vùng thuần nông xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc, Nam Định), chị Tạ Thị Trang đã không ít lần mất trắng cơ nghiệp. Không nản chí, tận dụng đất đai màu mỡ, vị trí thuận tiện cho giao thương, gia đình chị chuyển hướng sang canh tác các loại hoa đang được ưa chuộng và gặt hái được thành công.

Chị Tạ Thị Trang (SN 1978) lập gia đình năm 1994, khi đó điều kiện kinh tế rất khó khăn. Vì nguồn vốn không có nhiều, 2 vợ chồng chị quyết định đầu tư nuôi vịt. Công việc kinh doanh tương đối thuận lợi nên có thời điểm, đàn vịt của gia đình lên tới hàng nghìn con; mua sắm được máy ấp trứng để cung cấp con giống cho bà con trong thôn, trong xã. Thế nhưng, năm 2008, sau một đợt dịch bệnh kéo dài, toàn bộ đàn vịt của gia đình mất trắng, toàn bộ tài sản của gia đình quay về con số không.

Chị Trang tâm sự: Cuối năm 2009, không cam chịu với thất bại, chị cùng chồng đã tìm hiểu và nhận thấy địa bàn xã Mỹ Tân, với lợi thế là đất phù sa màu mỡ lại cộng thêm nhu cầu hoa trên thị trường rất lớn, gia đình đã mạnh dạn học hỏi chuyển đổi sang mô hình sản xuất trồng hoa. Một hành trình gây dựng lại kinh tế gia đình theo một hướng hoàn toàn mới với bao khó khăn trước mắt đang chờ 2 vợ chồng chị.

Chị Trang cho biết, trước khi bắt tay vào làm, chị đã đi khắp các chợ trong và ngoài huyện để tìm hiểu thị trường. Mặt hàng hoa vốn không xa lạ gì, nhưng lại đang tồn tại thực tế là những ngày rằm, ngày tuần, nhu cầu mua hoa rất lớn nhưng lại chưa đáp ứng được. Đặc biệt là các loại hoa cũng chưa đa dạng, thậm chí là chất lượng thấp.

Một lợi thế khác nữa, theo chị Trang, gia đình chị sống ở khu vực bãi bồi ven bờ sông Hồng, đất đai màu mỡ thuận tiện cho việc phát triển nông nghiệp. Nghề trồng các loại hoa, cây cảnh đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, trong xã chưa có hộ gia đình nào đầu tư trồng hoa với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu của các cửa hàng hoa cũng như thị hiếu của người tiêu dùng.

 

khoi-nghiep-trong-hoa-o-nam-dinh-1.JPG
Chị Tạ Thị Trang tại mô hình trồng hoa của gia đình tại xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc, Nam Định)

 

Đặc biệt hơn, xã Mỹ Tân là giáp ranh giữa hai tỉnh Nam Định và Thái Bình lại gần trung tâm thành phố Nam Định; nhu cầu mua hoa của người ở phố cao hơn hẳn vùng nông thôn. Nhà chị lại nằm gần đường Quốc lộ 10 nên rất thuận tiện cho việc mua bán vận chuyển hoa.

Chị Trang dí dỏm: Trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, tôi cùng chồng đã xác định phải “nâng cấp tư duy” đã; nên không quản khó khăn đi tìm hiểu rất nhiều về nguồn cung cấp giống cây, phân bón cũng như kỹ thuật canh tác các loại hoa; nắm bắt nhu cầu thị trường từng thời kỳ…

Trước đây, “gia đình tôi chỉ trồng và cung cấp các loại hoa cúc đơn sắc có chất lượng không cao, giá trị thấp. Trong quá trình tiếp cận và tìm hiểu những cửa hàng hoa cao cấp, tôi luôn tìm cách tìm kiếm những giống hoa cúc mới đa sắc hơn, độ bền, độ tươi lâu hơn phù hợp với yêu cầu của khách hàng”.

Chị Trang bồi hồi nhớ lại: “Trong 6 năm trồng hoa, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc chưa biết sẽ trồng cây gì, mua giống ở đâu, bán thế nào, đặc biệt là thiếu kỹ thuật cơ bản về trồng hoa năng suất cao. Tôi và chồng không chỉ tìm tới học hỏi tại các mô hình trồng hoa ở các huyện lân cận, mua các sách kỹ thuật để tìm hiểu, chúng tôi còn tới các hợp tác xã tại Trung tâm khuyến nông tỉnh để học hỏi mô hình trồng và chăm sóc hoa”.

Không chỉ vậy, chặng đường khởi nghiệp đó, mô hình trồng hoa của gia đình cũng đòi hỏi phải có vốn để đầu tư. Tiếp cận được nguồn vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương - TYM (thuộc TƯ Hội LHPNVN), với số vốn 7 triệu đồng vay từ giai đoạn đầu tiên, không cần tài sản thế chấp, chị Trang sử dụng để mua giống hoa mới và trồng thử nghiệm tại 4 sào ruộng của mình.

Sau 1 năm, chị được vay vòng vốn tiếp theo là 12 triệu đồng cộng thêm những đồng vốn tích lũy của gia đình, chị đầu tư mua thêm 4 sào đất mở rộng quy mô trồng hoa, công việc kinh doanh bắt đầu có lãi. Những năm tiếp theo, nhờ mức vốn tăng liên tục của TYM, cộng với cơ chế hoàn trả theo tuần đã giúp chị hình thành được thói quen tiết kiệm chi tiêu.

Từ 4 sào ruộng, đến nay tổng diện tích trồng hoa của gia đình lên 1,2 mẫu, thu nhập hàng năm từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Cuộc sống cũng vì thế mà sung túc, phát triển bền vững hơn; con cái được chăm sóc, học hành đầy đủ hơn…

 

khoi-nghiep-trong-hoa-o-nam-dinh-2.JPG
Chị Tạ Thị Trang đã được trao danh hiệu “Khách hàng tài chính vi mô tiêu biểu” năm 2015

 

Với những nỗ lực không mệt mỏi để vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương, chị Tạ Thị Trang đã được Chương trình Doanh nhân vi mô Citi Việt Nam CMA lần thứ 9 trao danh hiệu “Khách hàng tài chính vi mô tiêu biểu” năm 2015 với mô hình trồng hoa cúc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm