pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Thời gian vàng" giúp trẻ học kỹ năng sống và thói quen ăn uống lành mạnh

Ảnh minh hoạ: Freepik
Là cha mẹ, có bao giờ bạn tự hỏi, những lần cùng con nhặt rau, xắt củ quả, nướng bánh,… có giá trị gì ngoài việc làm cho vui?
Nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi Đại học Guelph (Canada), công bố trên tạp chí Applied Physiology, Nutrition, and Metabolism cho thấy, những khoảnh khắc cha mẹ cùng con vào bếp nếu được lặp lại thường xuyên và có định hướng thì chính là thời điểm tốt dạy trẻ cả kỹ năng sống lẫn tư duy dinh dưỡng.
Phân tích dữ liệu từ 135 gia đình có con đang đi học, dù cha mẹ có kỹ năng nấu ăn cao, cũng không thấy được mối liên hệ đáng kể giữa điều này với khả năng nấu ăn của trẻ. Điều này cho thấy, dù cha mẹ có là "vua đầu bếp" thì trẻ vẫn cần được bắt tay vào làm trực tiếp chứ không thể chỉ học thông qua quan sát cha mẹ làm.

Cha mẹ cố gắng dành thời gian cùng con vào bếp nấu ăn ít nhất 1 bữa/tuần. Ảnh minh hoạ: Depositphotos
Trong bối cảnh hiện đại, càng đáng lưu tâm hơn khi thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng trở nên phổ biến, làm gia tăng nguy cơ thế hệ trẻ mất dần khả năng tự nấu ăn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ từ 10 tuổi trở lên bắt đầu thể hiện kỹ năng nấu ăn tốt hơn. Đây chính là "thời gian vàng" để giáo dục trẻ về dinh dưỡng và kỹ năng sống thông qua các hoạt động bếp núc. Nếu được tạo điều kiện tham gia nấu ăn trong giai đoạn này, trẻ có thể học được kỹ năng thao tác như chuẩn bị nguyên liệu, cắt, trộn, nấu đồ ăn và hình thành kỹ năng tư duy như đọc hiểu công thức, điều chỉnh món ăn cho phù hợp khẩu vị và sức khoẻ.
Căn bếp vừa là nơi nấu nướng vừa là "phòng học" thực thụ cho trẻ. Tại đây, trẻ có thể học cách lựa chọn thực phẩm, đọc nhãn sản phẩm, phân biệt nguyên liệu tươi mới hay đã cũ, cân đo khẩu phần ăn hợp lý. Những điều này có thể ảnh hưởng lâu dài đến cách trẻ lựa chọn thực phẩm và duy trì sức khỏe khi trưởng thành.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện nay đối mặt với thách thức lớn về thời gian. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 488 triệu người đang làm việc quá giờ, được hiểu là trên 55 giờ mỗi tuần. Áp lực công việc khiến thời gian dành cho con trẻ và hoạt động gia đình, nhất là nấu ăn cùng nhau, trở nên hiếm hoi.
Các chuyên gia khuyến nghị cần có giải pháp để "trả lại" cơ hội học nấu ăn cho trẻ, một trong những kỹ năng sống quan trọng. Đó có thể là việc cha mẹ cố gắng dành thời gian cùng con vào bếp nấu ăn ít nhất một bữa/tuần. Nhưng cũng có thể thông qua việc triển khai các chương trình giáo dục ẩm thực trong nhà trường hoặc cộng đồng, giúp trẻ tiếp cận việc nấu ăn một cách bài bản, hấp dẫn và thực tế hơn.
Bởi khi trẻ biết tự nấu ăn, chúng có thêm kỹ năng sống và sở hữu năng lực ra quyết định dinh dưỡng, điều tối quan trọng để chống lại lối sống công nghiệp hóa đang ngày càng thống trị trong bữa cơm hiện đại.