Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về điểm mới trong dự thảo luật quy định "can thiệp sớm" với các tổ chức tín dụng

PV
10/06/2023 - 18:32
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về điểm mới trong dự thảo luật quy định "can thiệp sớm" với các tổ chức tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội trường Quốc hội

Trả lời trước Quốc hội chiều 10/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay có 2 Ngân hàng Chính sách gồm Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thiết kế Điều 17, với 5 khoản theo hướng quy định những gì chung nhất cho các ngân hàng này.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu chiều 10/6 về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết: Về Ngân hàng Chính sách, hiện nay nước ta có Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội. Luật hiện hành trao quyền cho Chính phủ quy định cụ thể về các vấn đề tổ chức, quản trị, điều hành với 2 ngân hàng chính sách này. Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị định hướng dẫn, các Quyết định về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng này.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, các nước thành lập các ngân hàng chính sách để phục vụ mục tiêu vì xã hội, phát triển bền vững. Nguồn vốn chủ yếu là do Chính phủ tài trợ. Nhiều nước ban hành luật riêng để quy định về ngân hàng chính sách; ngoài ra cũng có nước giao cơ quan quản lý hướng dẫn; có một số ít nước quy định trong hệ thống luật chung.

Thống đốc NHNN cho biết, Ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17, với 5 khoản về ngân hàng chính sách theo hướng quy định những cái gì chung nhất. Qua ý kiến một số ĐBQH đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định về cơ cấu, tổ chức, hoạt động và xử lý nợ xấu, cũng như tái cơ cấu các ngân hàng chính sách này, Thống đốc NHNN khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cố gắng có những quy định chung nhất đối với các ngân hàng chính sách trong dự thảo Luật này.

Trên thực tế, một luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng ngân hàng riêng, bởi vì sứ mệnh và mục tiêu thành lập ngân hàng là khác nhau, nên quy định có thể phù hợp với ngân hàng này nhưng lại không phù hợp với ngân hàng khác.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Điểm mới về quy định "can thiệp sớm" với các tổ chức tín dụng - Ảnh 1.

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội

Còn vấn đề can thiệp sớm với các tổ chức tín dụng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết:  Các quy định về can thiệp sớm (Chương 8) là điểm mới của dự thảo Luật lần này, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như từ sự kiện rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng SCB tháng 10/2022; đồng thời có tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là các ngân hàng thương mại của Mỹ gần đây.

Thống đốc NHNN cho biết, với một tổ chức tín dụng được thành lập, cấp phép khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong quá trình hoạt động sẽ có những giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời.

Khi các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn, có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân thì cơ quan quản lý sẽ có biện pháp mạnh hơn. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong quá trình can thiệp sớm, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông, chủ sở hữu của ngân hàng phải có phương án khắc phục những khó khăn.  

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Điểm mới về quy định "can thiệp sớm" với các tổ chức tín dụng - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp

Thống đốc NHNN cho biết: "Luật Các tổ chức tài chính hiện hành có quy định can thiệp sớm nhưng quy định thời hạn có 1 năm là rất ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ. Cho nên trong thực tiễn khó triển khai. Vì vậy, dự thảo luật lần này có các biện pháp hỗ trợ; trong đó có cả hỗ trợ từ NHNN với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng, khi tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản, không thể đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân. Đồng thời quy định huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, từ bảo hiểm tiền gửi, từ ngân hàng hợp tác xã...

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng thiết kế theo hướng huy động nguồn lực giữa các ngân hàng để hỗ trợ, qua đó tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung, cũng là giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề, sự cố của các tổ chức tín dụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm