Cần đảm bảo người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng

PV
10/06/2023 - 16:13
Cần đảm bảo người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - thảo luận tại hội trường

Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10/6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật cần có những quy định riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bởi chức năng nhiệm vụ rất khách biệt với các ngân hàng khác trong thực hiện an sinh xã hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phần lớn các đại biểu thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập; tăng cường sự an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật cũng nhằm hạn chế sở hữu chéo; hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo thuận lợi với việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp, người dân.

Về Ngân hàng Chính sách xã hội, một số đại biểu quốc hội đề nghị Dự án Luật cần bổ sung một chương riêng dành cho loại hình tổ chức tín dụng đặc biệt này bởi nhiệm vụ tạo nguồn tín dụng ưu đãi cho người nghèo, vùng khó khăn. Theo đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đề nghị quy định cụ thể hơn về Ngân hàng Chính sách xã hội, như quy định về tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính, kể cả việc xử lý nợ xấu Ngân hàng Chính sách cũng khác với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác.

Đảm bảo người dân ở vùng sâu xa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thảo luận tại hội trường

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: Việc sửa đổi Luật này đảm bảo người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Về ngân hàng chính sách xã hội, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội cần phải được quy định và điều chỉnh trong Luật Các tổ chức tín dụng. Đại biểu Thành đề nghị, tại Điều 4 dự án Luật nên bổ sung thêm hai khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng Chính sách và tín dụng chính sách xã hội. 

Mặt khác, đề nghị Ban soạn thảo xem xét Điều 17 nên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho Ngân hàng chính sách xã hội. Sắp xếp thêm một điều khoản để cho Ngân hàng chính sách phát triển, cụ thể, tại Khoản 1, Điều 17 nên bổ sung thêm cụm từ "thực hiện an sinh xã hội" sau cụm từ "thực hiện chính sách kinh tế xã hội" để nhấn mạnh thêm mục đích, đối tượng, phạm vi hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.

Đảm bảo người dân ở vùng sâu xa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng - Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại phiên thảo luận về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10/6

Ngoài ra, tại khoản 2 của Điều 17 cần bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ và các khoản huy động khác để bảo đảm khả năng thanh toán; chỉ rõ cơ cấu nguồn vốn của Ngân hàng chính sách.

Tại Khoản 3 thì bổ sung Ngân hàng chính sách xã hội không phải thực hiện dự trữ bắt buộc và bảo hiểm tiền gửi.

Khoản 4 quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu do tính chất hoạt động, đại biểu Thành đề nghị áp dụng theo quy định riêng. Đồng thời, đề nghị quy định theo hướng: "Việc thành lập, tổ chức hoạt động, tổ chức lại, giải thể cơ chế tài chính, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu và các nội dung khác có liên quan đến Ngân hàng chính sách xã hội do Chính phủ quy định chi tiết".

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tập trung góp ý với các nội dung như: Cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm