Thu hút hội viên phụ nữ liên kết sản xuất để phát triển hàng hoá bền vững

PV
18/09/2024 - 15:17
Thu hút hội viên phụ nữ liên kết sản xuất để phát triển hàng hoá bền vững

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của hội viên, phụ nữ huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

Qua thực tế cho thấy, phụ nữ tham gia kinh tế tập thể, liên kết sản xuất hàng hoá sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam do phụ nữ sản xuất.

Tham gia kinh tế tập thể để phát triển hàng hoá bền vững hơn

Chị Trần Thị Thu Đông ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, có nhiều năm gắn bó với công tác Hội phụ nữ xã và gần gũi, thấu hiểu với khó khăn, vất vả của chị em nông dân sản xuất hàng hoá. Chị Đông nhận ra, mỗi phụ nữ trong xã dù chăm chỉ, làm lụng nhưng chỉ là hộ sản xuất đơn lẻ thì sức cạnh tranh kém, thiếu ổn định, chất lượng hàng hoá sẽ không được bền vững. Chị nảy ra ý tường thành lập Tổ hợp tác quầy hàng nông sản sạch xã Vĩnh Tú, rồi trở thành HTX Nông sản an toàn Vĩnh Tú.

Tổ hợp tác tập trung vào các dòng sản phẩm nông sản địa phương, bắt đầu bằng những món ăn dân dã, các nguyên liệu nông nghiệp có sẵn tại địa phương như dưa non, kiệu, ném, hành, đu đủ, cà rốt. Từ chính bàn tay người phụ nữ xã Vĩnh Tú đã sản xuất ra những mặt hàng nông sản sạch như: Dưa hấu, dưa muối, dưa cà trộn, tép chua, bột sắn khô, tép bầu khô… Với quy trình sản xuất mang tính thủ công, hoàn toàn không sử dụng phụ gia và chất bảo quản, những sản phẩm tuy đơn giản mà chân chất vùng nông thôn ấy nhanh chóng trở thành sản phẩm chủ lực của thương hiệu.

Chị Đông cho biết, sản xuất kinh doanh từng bước thuận lợi hơn, đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho một số phụ nữ trên địa bàn toàn xã. Đồng thời, còn giúp người dân hạn chế việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người.

Tuy nhiên, chị Thu Đông chia sẻ, thời gian đầu, mô hình sản xuất theo hướng thủ công nên việc làm ra sản phẩm bị phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố từ quá trình sản xuất của bà con, thời tiết... Quá trình đóng gói, vận chuyển vào khoảng thời gian đầu còn chưa được đảm bảo. Những điều này đã gây khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu nên việc quảng bá sản phẩm chưa được rộng rãi, thị trường tiếp cận còn eo hẹp.

Thu hút hội viên phụ nữ liên kết sản xuất để phát triển hàng hoá bền vững- Ảnh 1.

HTX Nông sản an toàn Vĩnh Tú tham gia hội chợ để giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá

Để hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển sản xuất hàng hoá bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam do phụ nữ sản xuất, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích chị em tham gia kinh tế tập thể, tăng cường liên kết sản xuất. Các cấp Hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ thành lập 9 HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết, gồm: Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng thôn Tà Lao, Tổ liên kết trồng lúa nếp than Tà Long, HTX Dệt thổ cẩm xã A Bung, HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, xã Mò Ó (huyện Đakrông); Tổ liên kết chăn nuôi dê sinh sản Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa); Tổ phụ nữ sản xuất rau an toàn tại xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ); HTX Tổng hợp hương thảo mộc Vĩnh Thủy, HTX Nông sản an toàn xã Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh).

Cùng với đó tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nhiều mặt như tập huấn quản lý tài chính, nhân sự, cách thức vận hành HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết; hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là tổ chức hội nghị kết nối cung cầu và các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các HTX, tổ liên kết, tổ hợp tác tại 20 hội chợ, phiên chợ nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn. Thành lập và duy trì vận hành 20 quầy hàng giới thiệu sản phẩm nông sản của hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Lan toả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Qua 5 năm (2019-2024) tham gia thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động gắn với "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và nhiều phong trào khác. Các cấp Hội của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong nước, kiến thức kỹ năng phân biệt hàng nội, hàng ngoại, hướng dẫn hội viên, phụ nữ nhận biết mã vạch hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; vận động hội viên phụ nữ, các hộ kinh doanh ưu tiên bán hàng Việt Nam, sử dụng và nhập các sản phẩm trong nước sản xuất, không dùng và buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bán hàng giả, hàng kém chất lượng...

Bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cho biết: Để sản phẩm hàng Việt không những chỉ đến hội viên, phụ nữ mà đến với toàn thể người dân và vươn xa hơn, các cấp Hội đã tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, làng nghề truyền thống, giới thiệu, phân phối sản phẩm của địa phương và các mô hình THT, HTX, mô hình kinh tế do Hội đầu tư qua các hoạt động: Xây dựng, duy trì 20 gian hàng "Trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã của phụ nữ" của Hội LHPN các cấp giới trên 300 sản phẩm. Phát động phong trào "Chợ văn minh, chợ thông minh" nhằm triển khai tuyên truyền vận động thực hiện mô hình "Tiêu dùng không dùng tiền mặt" cho hơn 1.500 nữ tiểu thương tại các chợ cùng nhiều hoạt động khác, tổ chức hàng trăm gian hàng giới thiệu trưng bày sản phẩm của phụ nữ…

Thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, duy trì hoạt động và xây dựng mới một số gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm điển hình kinh tế giỏi, tổ hợp tác; tiếp tục các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động "Xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và hỗ trợ, kết nối sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào hệ thống các bưu điện…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm