Thủ lĩnh mới của trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London

05/09/2017 - 10:08
Lần đầu trong lịch sử 122 năm, vào ngày 1/9/2017, vai trò thủ lĩnh “lò” đào tạo đội ngũ chuyên gia tài chính và kinh tế nổi tiếng nhất thế giới, trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London thuộc về phụ nữ. Bà là Tiến sĩ kinh tế Nemat Shafik gốc Ai Cập.
Ảnh hưởng từ bà nội

Nemat Shafik (SN 1962) sinh ra ở Aleksandria, trong gia đình chủ đồn điền giàu có. Bố mẹ buộc phải rời Ai Cập năm Nemat 4 tuổi, vì chính quyền Tổng thống Naser quốc hữu hóa tài sản. Bé Nemat bắt đầu cuộc sống mới ở Mỹ. Hai người đã có ảnh hưởng đặc biệt đến Nemat tuổi ấu thơ. Đầu tiên là bà nội, bà đã cho bé những bài học làm thủ lĩnh.
phunu-1.jpg
Tiến sĩ kinh tế Nemat Shafik, nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London sau hơn 1 thế kỷ

“Ngay khi xuất hiện rắc rối nào đó, bao giờ bà cũng âu yếm kéo tôi vào phòng, nói chuyện riêng. Không bao giờ bà làm ai mếch lòng trước đám đông. Đối với bà, đứa trẻ nhút nhát nhất cũng là thần tượng, bà luôn ưu ái những trẻ yếu đuối nhất”, bà Shafik nói tiếp. Người thứ 2 là bố.

“Bố tôi thường nhắc nhở: “Họ có thể lấy tất cả của con, song họ không thể quốc hữu hóa trí tuệ”. Bố nhấn mạnh vai trò của kiến thức “chính kiến thức sẽ cứu vớt tất cả, bởi kiến thức cho phép gia đình ta xây dựng cuộc sống mới ở nước Mỹ”.

Sau 1 năm học Đại học Mỹ, phân hiệu Cairo, nữ sinh viên Nemat Shafik trở lại Hoa Kỳ, để theo học chuyên ngành Kinh tế và Chính trị tại Đại học Massachusetts Amherst. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế, Shafik quay về Ai Cập với tư cách nhân viên Cơ quan Quỹ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.

Sau 2 năm, bà quyết định tiếp tục con đường học vấn. Shafik chọn Học viện  Kinh tế và Khoa học Chính trị London (The London School of Economics and Political Science) học thạc sĩ và hoàn thành luận án Tiến sĩ tại St.Antony’s College ở Oxford.

Khao khát thay đổi

Sau khi nhận bằng tiến sĩ kinh tế, Nemat Shafik trở thành giảng viên Đại học Wharton và Đại học Georgetown, thường xuyên cộng tác với tổ chức nghiên cứu trực thuộc Ngân hàng Thế giới ở Washington.
Cùng thời gian, Shafik kết hôn với Mohammed El-Erian, doanh nhân Mỹ gốc Ai Cập, Giám đốc Pimco, Quỹ Trợ giá lớn nhất thế giới. Thời gian ngắn sau khi lấy chồng, bà quyết định tạm từ bỏ công việc giảng dạy.
the_london_school_of_economics_and_political_science_du_hoc_anh.jpg
Học viện Kinh tế và Khoa học Chính trị London được thành lập vào năm 1895

“Tôi rất yêu công việc giảng dạy, việc quan sát sinh viên tiến bộ thế nào mang lại cho tôi cảm giác hết sức thú vị. Nhưng tôi cũng khao khát làm những công việc khả dĩ có thể thay đổi hoạt động của toàn bộ hệ thống, chứ không chỉ cuộc sống của những cá nhân.

Cuối cùng, tôi chấp nhận một vị trí ở Ngân hàng Thế giới, mà trách nhiệm của tôi lớn đến mức, tôi không thể tiếp tục sự nghiệp giảng dạy”, bà Nemat Shafik dẫn giải.

Bà Shafik quản lý khoản tín dụng cho vay phát triển hạ tầng, lên tới 6 tỷ USD/ năm. Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ở tuổi 36, Nemat Shafik được cất nhắc làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới trẻ nhất lịch sử.

Trách nhiệm mới của bà là giám sát các khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD. Sau khi cuộc hôn nhân với doanh nhân El-Erian kết thúc do không có con, Shafik phải lòng Raffael Jovine - chuyên gia sinh học biển từng qua 1 đời vợ Bà lên xe hoa cùng Jovine năm 40 tuổi và cho ra đời con trai sinh đôi.
1233.jpg
Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London là cái nôi đào tạo hàng đầu về chuyên gia tài chính và kinh tế nổi tiếng nhất thế giới

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới quyết định thay đổi công việc. Gia đình mới với 5 đứa trẻ (3 con riêng của Jovine) chuyển sang London, Vương quốc Anh. Năm 2004, Shafik đầu quân cho Vụ Phát triển Quốc tế Anh, 4 năm sau bà trở thành sếp của tổ chức này.

Đỉnh cao tiếp theo của nữ tiến sĩ kinh tế gốc Ai Cập là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nơi Nemat Shafik được đề bạt Phó Giám đốc IMF khu vực châu Âu và Trung Đông, quản lý ngân sách hành chính hàng tỷ USD và 3 nghìn nhân viên.

Thành tích đáng kể của TS Nemat Shafik trong quản lý tiền tệ, tín dụng và đầu tư tại Ngân hàng Thế giới, Vụ Nghiên cứu Phát triển Anh và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gây ấn tượng đặc biệt với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney.

Năm 2014, Thống đốc Carney đề bạt TS Shafik làm Phó Thống đốc, phụ trách những vấn đề thị trường và ngành ngân hàng, thành viên 3 ủy ban đảm trách về chính sách ngân hàng. Shafik là người phụ nữ thứ 3 trong lịch sử 321 năm Ngân hàng Anh nắm giữ chức vụ cao như vậy.

Bước ngoặt bất ngờ

Đề bạt TS Shafik làm Phó của mình, Thống đốc Carney đã ngầm thông báo, ông muốn tập hợp một số nhà kinh tế nữ giới, để tương lai có thể chọn người phụ nữ đầu tiên lên ghế Thống đốc.

Tuy nhiên trước khi xuất hiện cơ hội - nhiệm kỳ Thống đốc của Carney kết thúc vào năm 2018, tháng 9/2016 nữ ứng viên tiềm năng - TS Shafik bất ngờ ra đi, để làm công việc mong ước là trở thành Hiệu trưởng trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.

Năm 2015, TS Nemat Shafik lọt bảng xếp hạng “Những phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới” do tạp chí Forbes bình chọn ở vị trí 66, cao hơn cả Thủ tướng Anh đương nhiệm, bà Theresa May. Cũng năm 2015, bà nhận danh hiệu “Quý bà” do Nữ hoàng Anh trao.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm