Tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội tại các trường THPT (ảnh minh họa) |
Ngày 12/5, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức “Hội nghị Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2017 đạt 50% và năm 2020 đạt 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong giai đoạn này, tại các tỉnh, thành, Chương trình sẽ xây dựng thử nghiệm 3 mô hình là: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ để giúp đỡ người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Nam Bộ 3.200 người; Đồng bằng Sông Cửu Long 1.374 người... Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.