Cứ mỗi mùa rét, làng Trát Cầu (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tấp nập xe chở hàng, thương lái đổ về để mang sản phẩm đi phân phối khắp cả nước, sang cả Lào và Campuchia.
Làng Trát Cầu cách trung tâm thủ đô 25 km. Làng nổi tiếng là thủ phủ chăn ga gối đệm của miền Bắc khi cung cấp số lượng lớn sản phẩm ra thị trường.
Đầu mùa rét, trước các cơ sở sản xuất và cửa hàng tấp nập xe cộ, thương lái từ khắp nơi đổ về để lấy hàng mang đi phân phối. Không khí sản xuất cũng hăng say, tất bật hơn. Hầu như các cơ sở đều phải chạy đua để cung cấp kịp các đơn hàng.
Anh Quang, chủ một cơ sở sản xuất chăn tại Trát Cầu, cho biết bình quân mỗi ngày nhà anh làm được 400 cái chăn. "Năm nay rét muộn và sức mua giảm do hậu quả của Covid, nên làng cũng sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm so với các năm". Làng Trát Cầu đã duy trì nghề làm chăn ga gối đệm hàng trăm năm nay. Hiện có hơn 1.000 hộ dân sản xuất mặt hàng này. Đây cũng là nguồn thu nhập chính, cải thiện kinh tế đáng kể cho người dân nơi đây. Những cơ sở sản xuất nhỏ thu nhập hàng trăm triệu, còn những cơ sở quy mô lớn có thể lãi đến chục tỷ mỗi năm.
Làng chủ yếu sản xuất chăn, ga, gối, đệm bằng bông từ bình dân đến cao cấp. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, nhiều hộ gia đình đã đa dạng hóa mẫu mã, làm các mặt hàng khác như thú bông, gối ôm, thảm, vỏ chăn, vỏ gối.
Chăn ga gối đệm được sản xuất quanh năm. Tùy vào nhu cầu mỗi mùa, các cơ sở sẽ linh hoạt tăng cường các sản phẩm khác nhau. Đầu mùa rét, chăn bông được tiêu thụ mạnh hơn. Thời gian cao điểm rơi vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, thấp điểm là khoảng tháng 5 âm lịch và tháng Tết.
Từ một nghề thủ công, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống thiết bị hiện đại như máy thiết kế mẫu mã, máy dệt, thêu.
Việc tiếp thu kỹ thuật, dây chuyền sản xuất mới đã giúp tiết kiệm công sức lao động và nâng cao năng suất đáng kể. Lượng chăn sản xuất mỗi ngày tăng gấp 2-3 lần so với phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, sản phẩm đạt chất lượng cao về mẫu mã, độ tinh xảo.
Vốn xuất phát từ nghề bật bông truyền thống, trải qua hàng trăm năm, sản phẩm của làng Trát Cầu đã có mặt hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, và sang cả Lào, Campuchia.