Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, "ăn cũng phải có trách nhiệm"

PVH
18/04/2023 - 15:26
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, "ăn cũng phải có trách nhiệm"

Áp dụng công nghệ, sản xuất lương thực, thực phẩm sạch. Ảnh minh hoạ

Đề cập đến Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng, vấn đề lương thực toàn cầu là vấn đề lớn; không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà "ăn cũng phải có trách nhiệm".

Ngày 18/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo giới thiệu Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững. Hội nghị có chủ đề: "Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bao trùm trong bối cảnh khủng hoảng mới", diễn ra từ ngày 24 đến 27/4, tại Hà Nội.

Hội nghị cấp Bộ trưởng này dự kiến có 300 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu quốc tế từ các quốc gia, cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Nội dung chính của Hội nghị là xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đồng thời đề xuất các giải pháp, tập trung chính vào các giải pháp cho việc xây dựng, đảm bảo an ninh lương thực. 

Ngoài ra, Hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, "ăn cũng phải có trách nhiệm" - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi họp thông tin Hội nghị toàn cầu lần 4 về Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững. Ảnh Đ.Tùng

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, trong đó, mục tiêu cụ thể:

- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm; Tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm mức độ nặng và vừa giảm dưới 5%;

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 15%, suy dinh dưỡng gầy còm dưới 3%

- Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 10%; 5-18 tuổi dưới 19%; 19-64 tuổi dưới 20%;

- Số vụ ngộ độc do mất An toàn vệ sinh thực phẩm giảm 5%/năm

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, việc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 góp phần thúc đẩy thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023).

Hiện ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp sử dụng mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp về thương hiệu nông nghiệp ra quốc tế là "Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, "ăn cũng phải có trách nhiệm" - Ảnh 3.
Ảnh minh họa 

Về định hướng xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn của lương thực Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, vấn đề lương thực toàn cầu là vấn đề lớn. Hiện tại, vấn đề không chỉ dừng ở sản xuất trách nhiệm mà "ăn cũng phải có trách nhiệm".

Về thông điệp "One planet eat with care", Hội nghị lần này muốn truyền tải thông điệp, trách nhiệm đầu tiên trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững là mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, đảm bảo sử dụng lương thực, thực phẩm cân đối về dinh dưỡng và sử dụng thực phẩm có trách nhiệm với môi trường. Qua đó, cũng góp phần tác động, làm thay đổi cơ cấu, tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thế giới hiện nay trải qua khủng hoảng lương thực mới. Việt Nam hiện được thế giới đánh giá cao về những đóng góp trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Điều này không chỉ nằm ở xuất khẩu những sản phẩm nổi tiếng như gạo ST25, hay đảm bảo nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân, mà còn xuất khẩu lương thực, tham gia vào cộng đồng có trách nhiệm trên thế giới.

Nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hệ thống lương thực lành mạnh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 mong muốn liên kết các quốc gia, có những cam kết cụ thể bằng hành động, có sự hỗ trợ lẫn nhau, trên cả hợp tác đa phương lẫn song phương về an ninh lương thực.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, "ăn cũng phải có trách nhiệm" - Ảnh 4.

Phụ nữ tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng Nông thôn mới. Ảnh minh hoạ

Hội nghị gồm chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày, gồm 9 phiên họp chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật.

Xen kẽ là đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn được tổ chức vào tối 26/4 và một phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới cùng một buổi tham quan thực địa.

Bốn nhóm vấn đề được xem xét tại hội nghị sắp tới gồm: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm; Các chính sách quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống lương thực thực phẩm; Các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống lương thực thực phẩm; Các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm