Huy động sự tham gia của phụ nữ để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Minh Đức
15/04/2023 - 12:07
Huy động sự tham gia của phụ nữ để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ dân tộc Thái biểu diễn điệu múa truyền thống tại Homestay Luật Phượng (xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái)

Xây dựng các mô hình du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cần chú trọng đến các mô hình gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Tại Hội nghị phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông, do phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức chiều 14/4 ở Yên Bái, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động (trong đó khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 215 mô hình, chiếm 43%). 

Huy động sự tham gia của phụ nữ để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị

Trong số các mô hình du lịch nông thôn, các Homestay thu hút khá nhiều du khách. Tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, bà Hoàng Thị Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ Homestay Luật Phượng (xã Nghĩa An), cho biết, toàn xã có 4 Homestay đón khách du lịch đến ăn nghỉ và trải nghiệm các hoạt động văn hóa. Ngoài ra, xã còn nhiều Homestay khác tổ chức đón khách đến tham quan và tham gia các sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của địa phương.

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Huy động sự tham gia của phụ nữ để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Du khách tham quan và chụp ảnh tại vườn chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái)

"Mục tiêu của Chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững", ông Sơn cho biết.

Đến nay, đã có 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là những vùng có tiềm năng, lợi thế về du lịch như: Vùng miền núi phía Bắc (đã có 8/14 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch); khu vực duyên hải miền Trung (8/14 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch); Tây Nguyên (4/5 tỉnh ban hành Kế hoạch); vùng Đồng bằng sông Cửu Long (có 7/13 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương đã gặp những khó khăn, vướng mắc; Việc lồng ghép các chính sách đã ban hành với Chương trình còn gặp khó khăn ở nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch.

Huy động sự tham gia của phụ nữ để phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Bà Hoàng Thị Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, bên gian trưng bày những sản phẩm đặc trưng của địa phương tại Homestay

Để triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn, cũng theo ông Sơn, các cơ quan thực hiện chương trình của các bộ ngành và địa phương cần tập trung xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình ở các địa phương. Đặc biệt, Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn cần phù hợp với các quy hoạch về kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học..., gắn với định hướng đầu tư về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng, miền.

Bên cạnh đó, cần tăng cường lồng ghép hoạt động tuyên truyền về du lịch nông nghiệp, nông thôn với hoạt động truyền thông về xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trong công tác triển khai Chương trình. "Khi xây dựng mô hình du lịch nông thôn, cần chú trọng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân", ông Sơn cho biết thêm.

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh 11 nội dung thành phần, giai đoạn này có 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm