Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung và chuỗi phân phối sản phẩm; xây dựng và ban hành trong năm 2018 các thông tư: hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trợ giúp đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định chi tiết một số nội dung của chế độ kế toán đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ, trình Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn, triển khai chính sách cấp bù lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, chủ trì trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn các địa phương bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2018...
Chỉ thị cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sang tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm lien kết ngành, chuỗi giá trị…
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp và 50% tổng số lao động cả nước. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 25% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quản lý và điều hành hoạt động hoạt động của gần 45.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các lĩnh vực khác nhau, các nữ doanh nhân tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm tương đương với các nam doanh nhân. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng trưởng với tốc độ trên 20%. Tuy nhiên, phụ nữ thường gặp rất nhiều khó khăn hơn so với nam giới trong vấn đề tiếp cận vốn vay.
Kết quả khảo sát thị trường do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - thực hiện cho thấy: Ước tính nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ là chủ tại Việt Nam hiện lên tới 1,19 tỉ USD.
Bản báo cáo với tiêu đề "Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Quan niệm và tiềm năng" của IFC chỉ ra rằng trong 2 năm vừa qua, chỉ 37% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các khoản vay ngân hàng so với 47% doanh nghiệp thuộc sở hữu của nam giới. Dù môi trường đầu tư trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, đa phần các ngân hàng hoặc cho rằng không cần đưa ra một cách tiếp cận riêng đối với các nữ doanh nhân hoặc đánh giá phân khúc này là ít lợi nhuận hơn, nhiều rủi ro hơn và thiếu kỹ năng quản lý tài chính.