Thủ tướng đồng ý gói hỗ trợ an sinh, cho vay không lãi suất để trả lương người mất việc do Covid-19

PVH
27/03/2020 - 21:59
Thủ tướng đồng ý gói hỗ trợ an sinh, cho vay không lãi suất để trả lương người mất việc do Covid-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương

Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với kiến nghị về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội với 6 điểm, trong đó có chính sách tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp; chính sách cho doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, 27/3, về việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến "4 trong 1" giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền của gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã có đề xuất 6 điểm gửi Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đối phó với ảnh hưởng bất lợi từ dịch Covid-19. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Về chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TBXH thống nhất với việc tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho 2 nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm; doanh nghiệp bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch Covid-19.

Với đề xuất như trên, ước tính sẽ có khoảng 1,5 - 3 triệu người được hưởng lợi từ chính sách, 150.000 - 200.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách.

Về chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ LĐ-TBXH đề xuất 100% doanh nghiệp và người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ tháng 2 đến hết tháng 12/2020. Sau đó doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù thời gian này mà không phải nộp tiền lãi chậm đóng.

Với nhóm chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhằm giúp doanh nghiệp khó khăn do Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp khó khăn do dịch bệnh có từ 30% lao động và từ 100 lao động trở lên phải luân phiên tạm ngừng việc cộng dồn từ 1 tháng trở lên mà doanh nghiệp không có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Thời gian thực tế ngừng việc từ 1 tháng trở lên nhưng tối đa không quá 3 tháng từ khi ban hành chính sách đến hết tháng 12/2020.

Bộ này cũng đề xuất mức vay tối đa bằng kinh phí để thanh toán tiền lương ngừng việc phải trả cho người lao động bị ngừng việc và phần người sử dụng lao động đóng các loại bảo hiểm bắt buộc. Nguồn ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ước tính số lao động bị ngừng việc là 250 - 500 ngàn người, tương ứng từ 17,6 - 35 ngàn doanh nghiệp. Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả lương ngừng việc khoảng từ 4,8 đến 9,6 ngàn tỷ đồng, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất  khoảng 355 đến 710 tỷ đồng.

Thủ tướng đồng ý gói hỗ trợ an sinh, cho vay không lãi suất để trả lương người mất việc do Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, kiểm tra việc phòng chống dịch Covid-19 tại một doanh nghiệp ở Thái Nguyên

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Theo tính toán của Bộ này, số người lao động bị thôi việc là 100 đến 200 ngàn người (tương ứng với 7 đến 14 ngàn doanh nghiệp). Dự kiến số tiền doanh nghiệp phải vay để trả trợ cấp thôi việc từ 1 đến 2 ngàn tỷ đồng. Nếu ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để doanh nghiệp trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, thì ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất khoảng từ 60 đến 120 tỷ đồng.

"Trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước sẽ cho vay tiền để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động thôi việc và mất việc. Với sự hỗ trợ này, Nhà nước không tính lãi. Khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại khoản vay…".

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất hỗ trợ người lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản. Ước tính số lao động bị thôi việc ở các doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do ảnh hưởng dịch là 55 đến 110 ngàn người (tương ứng với 3,8 đến 7,2 ngàn doanh nghiệp), dự kiến kinh phí hỗ trợ trả trợ cấp thôi việc từ 530 đến 1.060 tỷ đồng. Nguồn kinh phí tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ này cũng đề xuất chương trình tín dụng ưu đãi đối với người lao động và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, được vay vốn với lãi suất thấp với khoảng 3,96%/năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội….

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm