Thủ tướng: 'Tôi trăn trở về đời sống người dân khi gắn với cách mạng công nghiệp 4.0'

24/10/2018 - 15:37
Trong phiên thảo luận tổ sáng nay 24/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội của đất nước. Điều mà ông băn khoăn chính là đời sống người dân gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 và việc khiếu nại, khiếu kiện trong nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc.

Buổi thảo luận tổ Quốc hội sáng 24/10 nóng nhiều vấn đề về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018. Là Thủ tướng, đồng thời là đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc có nhiều băn khoăn về tình hình phát triển của đất nước, trong đó quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội.

“Tôi trăn trở nhiều về đời sống xã hội người dân khi gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, làm sao có thể mang lại an toàn cho người dân và hạnh phúc đến từng gia đình. Sự quan tâm lớn nhất của Đảng, Chính phủ vẫn là đông đảo quần chúng nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.

img_5483.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại buổi thảo luận tổ của Quốc hội sáng 24/10. Ảnh: D.H
 

Với nền tảng ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra nhiều vấn đề vẫn còn nổi cộm. Trước hết về đời sống kinh tế, ông nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập sâu với mức độ ngày càng cao, cần có nhiều giải pháp về công nghệ cao đối với kinh tế của người dân, tìm giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Theo ông, nông nghiệp rất quan trọng nhưng phải chú trọng đến giá trị gia tăng. Còn cứ luẩn quẩn mãi, không tìm được giá trị gia tăng thì khó có lối ra. Một trong những giải pháp cơ bản chính là tháo gỡ về mặt thể chế.

“Mình cứ văn bản này chồng văn bản kia, hệ thống pháp luật vẫn chằng chịt, làm việc này lo việc kia, chồng chéo ràng buộc nhau. Thật khó để có thể nhớ được bao nhiêu văn bản. Vì vậy cần cố gắng làm sao sắp xếp tổ chức lại, các đia phương cần lên phương án trình Chính phủ các vấn đề về cải cách thể chế, việc này rất quan trọng” – ông nhấn mạnh.

Cùng với việc tạo điều kiện cho tư nhân phát triển, xã hội hóa các nguồn lực, Thủ tướng cũng cho rằng biện pháp về tài chính ngân sách cũng còn nhiều điều phải chấn chỉnh.

“Cần sử dụng hiệu quả hơn nguồn ngân sách, chống lãng phí, liệu cơm gắp mắm, kể cả nợ công. Đi vay tràn lan cũng là nguy cơ rất lớn. Làm gì cũng phải đúng mức, chặt chẽ, hiệu quả. Như nước Mỹ rất phát triển, họ nợ lớn, nhưng công trình dự án phải hiệu quả để đảm bảo nguồn thu chi rõ ràng” – ông dẫn chứng.

5937_can-bo-mot-cua-p7-huong-dan-nguoi-dan-dang-ky-ho-so.jpg
Việc đối thoại với nhân dân cần được tăng cường, theo Thủ tướng. Ảnh minh họa (Nguồn báo Long An)
 

Với nhiều công việc vẫn còn dang dở, điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở nhiều chính là nội lực của người dân.

“Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi, vì sao vẫn khiếu nại nhiều thế? Vì ít khi chủ tịch xã, huyện tiếp dân lắm, tiếp không đến nơi đến chốn. Mình lo cho dân mà để dân khiếu nại? Hãy đối thoại, lắng nghe nhân dân nhiều hơn. Đây là kênh vô cùng quan trọng để họ thấy nguyện vọng được lắng nghe, phải dựa vào nguyện vọng tâm tư của dân trở thành hành động” – ông nhắn nhủ.

Theo ông, cần có ý chí dân tộc mạnh mẽ hơn, khát vọng phát triển tốt hơn thì mới thực hiện được mọi mục tiêu đề ra. Người Việt Nam thông minh, nhanh nhẹn, nhận thức tốt nhưng cần hợp tác, ý chí quyết tâm hơn, đừng lừng chừng, thiếu quyết tâm. Cần có nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển, chứ cứ vẫn tư tưởng “sớm xách ô đi tối xách ô về” thì khó phát triển. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm