pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thủ tướng: Xem xét giảm giá hoặc miễn phí sách giáo khoa với học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Ảnh minh họa
Hôm nay (1/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 4 lĩnh vực mà Chính phủ quan tâm, phải giải quyết tốt: Thứ nhất là có mức tăng trưởng cần thiết. Thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội, chống thất nghiệp, "làm sao đừng để nhân dân đói kém, thiếu thốn, khó khăn trong đại dịch". Mục tiêu thứ ba cần thảo luận là kiểm soát lạm phát trong ngưỡng dưới 4% như Quốc hội đề ra. Thứ tư là bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, Thủ tướng lưu ý bảo đảm an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh thiên tai, lũ lụt.
Văn phòng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%. Một số chuyên gia kiến nghị, phải quản lý tốt khâu trung gian; xem xét vấn đề giá của bộ SGK mới; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục giữ ổn định tỉ giá…
Riêng vấn đề giá bộ SGK mới cao hơn bộ sách cũ mà một số ý kiến phản ánh, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, nguyên nhân là "thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành".
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, giá bán SGK lớp 1 theo chương trình mới tăng gấp hơn 3-4 lần bộ sách hiện hành.
Cụ thể, cuối tháng 3/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá bán của 4 bộ SGK lớp 1, trong đó, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (10 cuốn) giá 179.000 đồng; bộ sách Chân trời sáng tạo (9 cuốn) giá 186.000 đồng; bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (10 cuốn) giá 194.000 đồng; bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (9 cuốn) giá 189.000 đồng.
Giá bán các bộ SGK lớp 1 mới này tăng đến gần 4 lần so với giá SGK lớp 1 theo chương trình hiện hành (6 cuốn) chỉ có 54.000 đồng.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải: Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn.
Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn.
Vị này cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu.
Với những đối tượng an sinh xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được cấp phát SGK miễn phí. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT nhận thấy một số bất cập và đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá.
Về lâu dài, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định SGK. Theo đó, sẽ tách ra "nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ khâu biên soạn SGK".
Nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục như vấn đề giá thịt lợn, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các yêu cầu điều hành giá 6 tháng cuối năm: Tiếp tục kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển, sản xuất kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của người dân vào công tác điều hành chung của Chính phủ, "không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát".
Riêng về giá sách giáo khoa, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá.
Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.