Thu về nhớ vị cốm quê

Nguyễn Trung Thành
01/10/2021 - 11:43
Thu về nhớ vị cốm quê

Ảnh minh họa

Quê tôi miền trung du, nơi đồng chiêm, ruộng trũng, cũng không phải là dân làm cốm chuyên nghiệp nhưng dưới bàn tay khéo léo của mẹ đã cho ra lò nhiều mẻ cốm được cả xóm tấm tắc khen. Vui nhất là đám trẻ chúng tôi. Bao giờ tôi cũng được chia phần nhiều. Tôi cứ ngồi trên cái chõng tre đầu hè mà nhâm nhi thưởng thức gói cốm.

Vào độ giữa Thu, heo may bắt đầu làm cho tiết trời se lạnh, làm cho lòng người thêm nhiều cảm xúc. Tôi chợt nhớ về tuổi thơ với biết bao kỷ niệm thân thương. Tất cả như vừa mới hôm qua. Tôi nhớ về những ngày tháng 10, khi vụ mùa bắt đầu cho thu hoạch... thế mà đã cách đây ba mươi năm. Ngày đó tôi còn là cậu bé hơn mười tuổi theo mẹ và chị ra đồng chăm lúa.

Đây là thửa lúa nếp, giống lúa cao cây hay còn có cái tên rất đẹp là "nếp cái hoa vàng". Lúa bước vào giai đoạn bánh tẻ, mẹ đã ngắt lấy vài bó về để rang cốm, đãi chị em tôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên được chứng kiến mẹ làm cốm, chị em tôi cứ trố mắt theo dõi và đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mẹ vừa làm vừa hướng dẫn chị tôi. Phải công nhận làm cốm là cả một nghệ thuật, vất vả và rất công phu, đòi hỏi người làm cốm phải kiên trì và cả sự khéo léo. Lúa cắt về, tuốt lấy hạt mẩy, sau đó cho vào chảo rang, rồi sàng sẩy thật sạch trấu, bổi mới được. Rang rồi phải giã ngay nếu không cốm sẽ cứng lại.

Lúa làm cốm thường chọn loại bánh tẻ nên khi giã phải thật khéo vì giã mạnh tay cốm sẽ nát. Có những lần nếp còn được đem rang bằng chảo gang đúc, đế dày, đảm bảo giữ nhiệt đều. Ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút, bởi nếu đốt bằng than lửa sẽ không đượm, không đều, nên phải lấy củi để đốt lửa. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì phải bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy.

Cứ thế, mặc dù qua rất nhiều công đoạn, cuối cùng cũng tạo một sản phẩm cực kỳ tinh túy, mang đậm hồn quê Việt. Tôi cứ hít hà khi mẻ cốm đầu tiên ra lò, được mẹ cẩn thận gói từng vốc nhỏ vào lá sen, rồi cẩn thận bày lên ban thờ thắp hương cúng nội. Nội tôi là người đã dạy mẹ cách làm cốm. Quê tôi miền trung du, nơi đồng chiêm, ruộng trũng, cũng không phải là dân làm cốm chuyên nghiệp nhưng dưới bàn tay khéo léo của mẹ đã cho ra lò nhiều mẻ cốm được cả xóm tấm tắc khen. Vui nhất là đám trẻ chúng tôi. Bao giờ tôi cũng được chia phần nhiều. Tôi cứ ngồi trên cái chõng tre đầu hè mà nhâm nhi thưởng thức gói cốm. Cứ như thế qua năm này, năm tiếp, mùa nào mẹ cũng không quên cất vài mẻ cốm vừa để làm quà biếu vừa để phục vụ cho chị em tôi.

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho năng suất hơn thì giống lúa nếp cái hoa vàng lại không được sử dụng. Từ đó mỗi mùa heo may về, tôi lại nhớ lắm hương vị cốm quê, bởi nó đã gói ghém những tinh túy của đất, của trời và kết tinh trong đó biết bao là tình yêu thương của mẹ dành cho chị em tôi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm