pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thúc đẩy bình đẳng giới ở châu Phi
Các nữ lãnh đạo châu Phi tham gia “Hội nghị quốc tế về chuyển đổi lãnh đạo nữ”
Phụ nữ là động lực của nền kinh tế
"Hội nghị quốc tế về chuyển đổi lãnh đạo nữ" được tổ chức tại Juba (Nam Sudan) từ ngày 14 đến 16/2/2023. Mục tiêu của Hội nghị là thúc đẩy tiến bộ, giải quyết các mối quan tâm cấp bách và tìm giải pháp bền vững cho các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái ở Nam Sudan và khắp châu Phi.
Chủ đề của hội nghị là "Sức mạnh của phụ nữ". Hội nghị tập trung vào vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; quản trị và tham gia chính trị; trao quyền kinh tế cho phụ nữ, biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với bình đẳng giới, xây dựng phong trào và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong xã hội và con đường liên thế hệ để lãnh đạo; thách thức kinh tế; tiếp cận giáo dục và bạo lực trên cơ sở giới.
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit cho biết: "Việc bảo vệ quyền của phụ nữ rất quan trọng đối với chúng tôi trong chính phủ. Đất nước chúng tôi không thể chấp nhận bạo lực giới vì nó cản trở hòa bình và phát triển. Chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh để hướng tới một ngày tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái".
Khi thỏa thuận hòa bình năm 2018 bước vào giai đoạn cuối cùng, ông Salva Kiir Mayardit cho biết, chính phủ Nam Sudan đã nỗ lực giải quyết những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt và trao quyền cho họ trên khắp đất nước. Những nỗ lực bao gồm tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển năng lực để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường lao động.
Chính phủ nước này đã tăng tỷ lệ đại diện là nữ giới trong lĩnh vực chính trị và an ninh từ 25% lên 35%. "Mặc dù chúng tôi chưa đáp ứng đầy đủ hạn ngạch này nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành và cho phép phụ nữ cạnh tranh trong 65% còn lại", Tổng thống Kiir chia sẻ.
Bà Rebecca Nyandeng De Mabior, Phó Tổng thống Nam Sudan, nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Nam Sudan đăng cai tổ chức Hội nghị. Điều này sẽ có những tác động lớn đến cuộc sống của phụ nữ Nam Sudan khi đất nước bắt tay vào sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo bà Rebecca, phụ nữ là những người kiếm được nhiều tiền và là động lực của nền kinh tế, không chỉ ở Nam Sudan mà còn trên khắp "lục địa đen". Nếu phụ nữ được trao cơ hội lãnh đạo bình đẳng như nam giới, họ có thể cải thiện cuộc sống của mình và thế hệ sau.
"Chúng tôi đang chung tay với tư cách là phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới ở Nam Sudan. Là phụ nữ, chúng tôi thấy mình phải chiến đấu với các nền văn hóa tiêu cực, bạo lực trên cơ sở giới cũng như biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ và trẻ em gái, khiến nhiều người phải bỏ học", bà Rebecca nói.
Nơi tốt để bắt đầu
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed phát biểu trước Hội nghị rằng, tỷ lệ nữ trong các nghị viện châu Phi đã tăng gấp đôi trong những thập kỷ qua nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa.
Bà nói: "Nhiều yếu tố tiếp tục cản trở vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ trên cơ sở bình đẳng với các đồng nghiệp nam. Cần phải tăng cường nỗ lực để khắc phục điều này. Chúng ta cần xây dựng một phong trào lãnh đạo chuyển đổi và Nam Sudan là một nơi tốt để bắt đầu... Chúng tôi cần phụ nữ tham gia tìm kiếm giải pháp phù hợp cho tất cả mọi người. Cùng nhau, chúng ta có thể biến tham vọng thành hành động!".
Phó đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc Sara Beysolow Nyanti cho biết, sự kiên cường và quyết tâm của phụ nữ Nam Sudan là nguồn cảm hứng. "Tôi hy vọng rằng Nam Sudan sẽ chuyển đổi sang hòa bình với những người phụ nữ đi đầu. Nếu không có sự tham gia, lãnh đạo đầy đủ và bình đẳng của họ, Nam Sudan sẽ không thể tiến lên trong hành trình từ xung đột đến hòa bình và phát triển", bà nói.
Tuy nhiên, những thách thức ở Nam Sudan vẫn còn khó khăn. Ưu tiên hàng đầu là tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các tổ chức chính trị và an ninh để đáp ứng và vượt mục tiêu 35% được đặt ra trong Thỏa thuận hòa bình năm 2018. Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đầu tiên của đất nước này với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2024.
"Trong tay họ"
Một triển lãm ảnh có tên "Trong tay họ" được mở ra tại hội nghị, làm sáng rõ việc phụ nữ làm chủ hòa bình. Triển lãm phản ánh chủ đề của Hội nghị, sức mạnh của các nhà lãnh đạo nữ. Phụ nữ châu Phi đã mở đường cho việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Họ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình.
Triển lãm cũng nêu bật những thách thức mà họ phải đối mặt. Olla al Sakkaf, một nhà hoạt động thanh niên 27 tuổi đến từ Yemen, cho biết: "Chiến tranh đã giết chết hy vọng và biến cuộc sống của chúng tôi thành bi kịch. Tuy nhiên, công việc thúc đẩy tôi kiên trì và khiến tôi hy vọng về tương lai. Mỗi thay đổi nhỏ mà tôi tạo ra trong cộng đồng của mình đều mang lại cho tôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho tôi cũng như cho những phụ nữ và thanh niên như tôi".
Alokiir Malual, người phụ nữ duy nhất đã ký Thỏa thuận hòa bình ở Nam Sudan, cũng được giới thiệu trong triển lãm. "Chúng tôi đang phát triển. Chúng tôi đã tận dụng lợi thế của tiến trình hòa bình một cách thông minh, đảm bảo mang lại nhiều lợi ích hơn cho phụ nữ".