Aus4Skills và những đóng góp trong mục tiêu thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam

Thu Hà
26/02/2023 - 22:55
Aus4Skills và những đóng góp trong mục tiêu thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên của khóa học Hành trình Phụ nữ trong lãnh đạo năm 2020. Ảnh: Aus4Skills

Thông qua Chương trình Aus4Skills, Australia đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực phát triển lâu dài, trong đó phụ nữ là một trong những đối tượng được quan tâm đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã chia sẻ thúc đẩy bình đẳng giới là một trong các kế hoạch phát triển song phương giữa hai nước. Trong số các hoạt động triển khai tại Việt Nam, Chính phủ Australia chú trọng đầu tư cho mục tiêu trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện cả về phát triển kinh tế và tham gia hoạt động chính trị.

Để cụ thể hóa mục tiêu đó, từ năm 2016, chương trình hợp tác 10 năm giữa Việt Nam và Australia Aus4Skills đã và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực, để tận dụng các cơ hội kinh tế mới được quan tâm và đạt được sự phát triển lâu dài. Chương trình trị giá 86,4 triệu đô la Úc bao gồm các hoạt động chính như: Học bổng Chính phủ Australia; Kết nối Cựu sinh viên; củng cố lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam; hỗ trợ giáo dục đại học; và hỗ trợ phát triển kỹ năng lãnh đạo trong nền công vụ thông qua Trung tâm Việt – Úc mới thành lập.

Trong đó, Chiến lược Bình đẳng giới, Khuyết tật và Hòa nhập xã hội (GEDSI) là một trong những nội dung được Aus4Skills nỗ lực thực hiện. Đây một lộ trình nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, người khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn và người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp.

Aus4Skills và những đóng góp trong mục tiêu thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Aus4Skills triển khai chương trình tập huấn về “Bình đẳng giới tại nơi làm việc” vào ngày 4/10/2022. Ảnh: Aus4Skills

Theo chia sẻ của bà Đàm Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Chương trình Aus4Skills, vào năm 2022, Aus4Skills đã hoàn thành vượt mong đợi mục tiêu về bình đẳng giới của mình với tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động là 50%, trong đó nữ giới cũng chiếm 70% trong số 61 người nhận được Học bổng Chính phủ Australia, niên khóa 2023, 58% người mới tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và 66% người tham gia các hoạt động của cựu sinh viên năm 2022 là phụ nữ.

Một trong những hợp phần của chương trình thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam là thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo. Nội dung này đã được Aus4Skills khởi động bằng Hành trình Phụ nữ trong Lãnh đạo đã được thực hiện cho bốn nhóm nữ lãnh đạo tại Việt Nam từ năm 2017–2021.

Khóa đào tạo ngắn hạn kéo dài 10 tháng này đã mang đến cho 84 lãnh đạo nữ từ các cơ quan của Đảng và chính phủ nhiều kinh nghiệm học tập được chọn lọc cẩn thận ở Australia và Việt Nam, qua đó hỗ trợ họ khai phá, phát triển và hiện thực hóa năng lực lãnh đạo cá nhân và tập thể của mình.

Các cán bộ tham gia được đào tạo để thực hiện một dự án thúc đẩy bình đẳng giới mà họ lựa chọn. Nhiều dự án trong số này đã có những tác động to lớn được kiểm chứng. Khóa đào tạo đã nâng cao các kỹ năng, khả năng tạo ra thay đổi và mạng lưới cho các lãnh đạo nữ, đồng thời giúp họ nâng cao trách nhiệm giải trình về bình đẳng giới trong lãnh đạo.

Aus4Skills và những đóng góp trong mục tiêu thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Aus4Skills tổ chức hội thảo tập huấn “Nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ trong Giáo dục Đại học”. Ảnh: Aus4Skills

Bà Vũ Thị Lan Nhung - Chánh Văn phòng, Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – một trong số những cán bộ đã tham gia Hành trình Phụ nữ trong Lãnh đạo từng không có nhiều kiến thức về giới. Bà cho biết, từ sau khi tham gia khóa đào tạo này, "bài học kinh nghiệm lớn nhất mà tôi rút ra được là khi phụ nữ giúp đỡ lẫn nhau, chúng ta sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhau và điều này khiến chúng ta mạnh mẽ hơn".

Đó cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ – khi nhận ra tầm quan trọng của bình đẳng giới hiện tại và trong tương lai. "Điều này đã thúc đẩy tôi xây dựng mạng lưới với những người có cùng tầm nhìn với mình. Tôi tin rằng việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là nhóm yếu thế, là sự đóng góp lớn cho cộng đồng" – bà Linh khẳng định

Hay bà Lương Hoài Thanh - Phó Trưởng Bộ môn Lịch sử thế giới và Phương pháp dạy học Lịch sử, Khoa Lịch sử và Địa lý, Đại học Tây Bắc – chia sẻ, khi hiểu về giới, học được các kĩ năng để trở thành một nhà lãnh đạo, bà đã áp dụng để trao quyền thực sự cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở quê hương, tạo cho họ kỹ năng và sự tự tin để hiểu và tự hào về truyền thống dân tộc. Từ đó, họ đó phát huy và tiếp tục trở thành những người truyền lửa cho lớp trẻ kế cận. Tầm quan trọng của các vấn đề giới, vai trò lãnh đạo của phụ nữ và bình đẳng giới cần được nâng cao hơn nữa.

Với sự thành công trong công cuộc thực hiện Bình đẳng giới tại Việt Nam, bà Đàm Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Chương trình Aus4Skills, cho biết, năm 2023, Aus4Skills đặt mục tiêu dành ít nhất 50% cơ hội phát triển nguồn nhân lực của mình cho phụ nữ. Những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới sẽ hiệu quả hơn khi có sự lãnh đạo, quyền làm chủ và năng lực hành động mạnh mẽ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm