Đảm bảo bình đẳng giới - Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc trong năm 2023

Nhu Thụy
18/02/2023 - 07:06
Đảm bảo bình đẳng giới - Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc trong năm 2023

Tổng thư ký LHQ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 6/2/2023 về các ưu tiên cho năm 2023

Mở đầu bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) mới đây, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nhấn mạnh sự cần thiết phải có một “sự chuyển đổi” trong năm nay, dựa trên Hiến chương LHQ và Tuyên ngôn Nhân quyền.
Sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ cho thực hiện bình đẳng giới

"Khi chúng ta xem xét các ưu tiên cho năm nay, cách tiếp cận dựa trên quyền là trọng tâm để đạt được ưu tiên cuối cùng của chúng ta. Đó là vì một thế giới an toàn hơn, hòa bình hơn, bền vững hơn", người đứng đầu LHQ nói. 

Ông Guterres nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 75 năm ra đời hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cột mốc đó sẽ mang lại nhiều hơn những cam kết về cải cách. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi "một tầm nhìn toàn diện về hòa bình liên tục", trong đó xác định nguyên nhân gốc rễ gây ra xung đột và tập trung vào việc ngăn ngừa, hòa giải, xây dựng hòa bình cùng với sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ và thanh niên.

Theo quan điểm của người đứng đầu LHQ, bình đẳng giới về cơ bản là một vấn đề về quyền lực và chế độ gia trưởng… Trước thực tế đó, LHQ đang đấu tranh và đứng lên bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi, kể cả trong hàng ngũ của tổ chức này. 

Đảm bảo bình đẳng giới - Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc trong năm 2023 - Ảnh 1.

Nữ sinh Afghanistan

Trong nhiều hội nghị, ông Guterres luôn nhấn mạnh rằng, sự phân biệt giới tính, nhu cầu và lợi ích của phụ nữ thường bị bỏ qua trong các chính sách và quyết định về sử dụng đất, chống ô nhiễm, bảo tồn và chống biến đổi khí hậu. Tỷ lệ phụ nữ sở hữu đất đai hay làm lãnh đạo là rất nhỏ. Trong số những người đóng vai trò ra quyết định trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, phụ nữ chỉ chiếm 1/3. 

Trên thế giới, số Bộ trưởng Môi trường là nữ chỉ chiếm 15%. Điều này một lần nữa chứng tỏ rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới và nền văn hóa do nam giới làm chủ. Do đó, không thể thực hiện bất kỳ mục tiêu nào nếu không có sự đóng góp của tất cả mọi người. Đây là lý do vì sao tất cả mọi người, bao gồm cả nam giới và trẻ em trai, nên hợp tác để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và đảm bảo bình đẳng giới.

Ông Guterres cũng cam kết sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ cho các biện pháp hướng tới bình đẳng giới, bao gồm hạn ngạch để thu hẹp khoảng cách về vai trò đại diện của phụ nữ trong các cuộc bầu cử, trong ban lãnh đạo các công ty và các cuộc đàm phán hòa bình.

Trăn trở những "khoảng tối" về quyền phụ nữ

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đặc biệt nhấn mạnh đến hoàn cảnh của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, những người đang phải sống "lưu vong trên đất nước của họ"… Cuối tháng 12/2022, LHQ đã nhắc lại lời kêu gọi sự tham gia đầy đủ của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội Afghanistan, đồng thời bày tỏ lo ngại về lệnh cấm của lực lượng Taliban đối với việc tiếp cận của phụ nữ trong học tập và việc làm. 

Đảm bảo bình đẳng giới - Ưu tiên hành động của Liên hợp quốc trong năm 2023 - Ảnh 2.

Biểu tình chống hủ tục cắt âm vật

LHQ lên án mạnh mẽ việc cấm phụ nữ Afghanistan vào các trường đại học. 11,6 triệu phụ nữ và trẻ em gái nước này hiện không được hỗ trợ.

Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Afghanistan và quốc tế không thể hoạt động nếu thiếu nhân viên nữ. Do đó, tất cả các dịch vụ dành cho phụ nữ đều bị ảnh hưởng, bao gồm khả năng tiếp cận nước, vệ sinh, y tế, thực phẩm, nơi ở và sinh kế. Ngoài ra, tình trạng này càng làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái khi các dịch vụ dành cho những người sống sót sau bạo lực hoặc bị xâm hại tình dục phải đóng cửa. Hàng nghìn trẻ em và gia đình phụ thuộc vào thu nhập của những phụ nữ làm công tác cứu trợ nhân đạo nay còn cơ cực hơn.

Ngày 6/2 vừa qua, ông Guterres còn cảnh báo rằng 4,3 triệu bé gái trên thế giới có nguy cơ bị cắt âm vật (FGM). Tục lệ này phổ biến ở khoảng 30 quốc gia tại châu Phi, Trung Đông và Nam Á, cũng như một số quốc gia châu Á (Ấn Độ, Indonesia, Iraq và Pakistan) và một số cộng đồng nhỏ ở Mỹ-Latinh. Ông nhấn mạnh rằng, FGM là một hành động bạo lực trên cơ sở giới, gây ra những tổn thương suốt đời đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của phụ nữ, trẻ em gái. Việc loại bỏ hủ tục này nên được coi như những mục tiêu khác mà nhân loại cần đạt được vào năm 2030.

Nguồn: UN, UN Women
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm