Tham dự buổi hội thảo có Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết.
Mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của giảng viên, sinh viên quan tâm đến thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững thông qua cơ hội giáo dục và việc làm; học hỏi, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa khoa với các chuyên gia về giới, phụ nữ, giáo dục và phát triển tại các cơ quan giáo dục và phi chính phủ quốc tế, bao gồm NES Education, Oxfam tại Việt Nam, Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), Nhà Xuất bản Phụ nữ. Hội thảo cũng giúp kết nối, tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc với các cơ hội về thực tập, giáo dục và việc làm tại các cơ quan, tổ chức làm việc trong lĩnh vực phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới…
Tại hội thảo, TS. Bùi Trân Phượng, Chuyên gia về giới và phụ nữ học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nes Education bàn luận về truyền thống của phụ nữ từ quá khứ đến hiện tại, tư tưởng nữ quyền, tầm quan trọng của giáo dục bình đẳng giới cho trẻ em từ thuở nhỏ, tránh phân biệt giới trong giáo trình giảng dạy. Bà Trân Phượng còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chỉ số giới trong giáo dục, lãnh đạo nữ trong chính trị, xã hội, kinh tế và làm sao để đảm bảo công bằng cơ hội cho phụ nữ trong giáo dục, cơ hội và môi trường làm việc…
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ cùng TS. Tiêu Dũng Tiến - Phó giám đốc FES Việt Nam và bà Trần Hồng Hạnh - Điều phối viên chương trình FES Việt Nam, ThS. Vũ Quốc Anh - Điều phối viên mạng lưới làm việc về biến đổi khí hậu (CCWG), tổ chức Oxfam tại Việt Nam đã bàn về phương cách xóa bỏ các định kiến giới, “trần kính” và rào cản đối với cơ hội giáo dục và việc làm của phụ nữ. Các đại biểu cũng nói đến các cơ hội kiến tập, thực tập, làm tình nguyện viên, tuyển dụng tại Nhà Xuất bản Phụ nữ, Viện FES Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ…
Bà Dương Kim Anh - Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Khoa Giới và Phát triển bàn đến các vấn đề giới, lồng ghép giới trong giáo dục; đề xuất mô hình sư phạm có đáp ứng giới trong trường đại học.