pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thúc đẩy bình đẳng giới từ Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"
Em Bùi Thị Huyền Trang (phải) chia sẻ với bạn học kiến thức về bình đẳng giới.
Lương Trung là một trong những xã có phần đông dân số là đồng bào người Mường sinh sống trên địa bàn huyện Bá Thước (Thanh Hoá). Tại đây, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do địa hình rộng lớn, có nơi bị ngăn cách với trung tâm xã bởi dòng sông Mã. "Trẻ con muốn đi học chỉ có cách duy nhất là đi đò. Những ngày nắng ráo thì các em phải đi từ sáng sớm tinh mơ mới kịp giờ học. Còn đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, nhiều em đành nghỉ học có khi cả tuần vì đi lại quá nguy hiểm"- ông Cao Văn Cường, Hiệu trưởng trường THCS Lương Trung cho hay.
Do những khó khăn về điều kiện tự nhiên, đất đai canh tác kém, phần lớn người ở độ tuổi lao động tại xã Trung Lương đi làm ăn xa tại các công ty, nhà máy ở huyện/tỉnh khác. Thậm chí, nhiều gia đình vì đi làm ăn xa dẫn đến cảnh vợ chồng ly hôn. Với hoàn cảnh đó, trẻ em ở đây hầu hết đều sống với ông bà. Việc giáo dục con trẻ cũng vì thế mà gặp phải rất nhiều vấn đề bất cập, nhất là trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh như bây giờ.
Với tất cả những vấn đề bức thiết có thể trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ em trong độ tuổi dậy thì, Hội LHPN huyện Bá Thước đã phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường thành lập CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" để tuyên truyền, giáo dục cho các em nhiều kiến thức thiết thực với lứa tuổi nhạy cảm này.
CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trường THCS Lương Trung được ra mắt vào tháng 12/2023. CLB có 30 thành viên là học sinh từ khối 6 đến khối 9 bao gồm cả nam lẫn nữ. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có những kế hoạch giáo dục ngoại khoá và kĩ năng sống cho các em nên khi được Hội LHPN huyện Bá thước chọn để ra mắt, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" trong trường về cơ bản đã có nền tảng để đi vào hoạt động một cách nền nếp.
Thầy Phạm Hồng Thái, Tổng phụ trách Đội trường THCS Lương Trung, cho biết, tham gia vào CLB, học sinh được tìm hiểu về các kiến thức như quyền trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng thông qua các trò chơi, thảo luận nhóm, vẽ tranh, đóng kịch...
"Chúng tôi hướng dẫn để các em tự trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình. Từ đó, tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, định kiến về giới" - thầy Phạm Hồng Thái chia sẻ. Theo thầy Phạm Hồng Thái, sự thay đổi lớn nhất là khi tham gia CLB, học sinh đã chủ động và mạnh dạn hơn rất nhiều. Trước các buổi sinh hoạt, các em đã biết cách chuẩn bị, chủ động trao đổi với dẫn trình viên về vấn đề, chủ đề cần thảo luận, phương án tổ chức sinh hoạt CLB sao cho sinh động, hấp dẫn. Nhiều trường hợp học sinh là những bạn cá biệt, khi tham gia CLB đã trở nên có trách nhiệm, làm gương cho các bạn khác học tập.
Em Bùi Thị Huyền Trang, nhóm trưởng câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" chia sẻ: "Nhờ tham gia CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", em đã mạnh dạn hơn rất nhiều. Trước đây, em không biết nhiều kiến thức về chống bạo lực học đường, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Nhưng từ khi tham gia CLB, các thầy cô từ nhiều đoàn thể đã hướng dẫn em rất nhiều kiến thức và kỹ năng sống, trao cho em cơ hội được đứng trước nhiều người và tự tin như bây giờ".
Cùng với việc được nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, Huyền Trang cùng các thành viên trong CLB cũng rất tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các bạn tham gia phong trào chống rác thải nhựa bằng cách phân loại trước khi đem bỏ vào thùng rác. Không chỉ vậy, Trang cũng là một trong những phát thanh viên nhí của trường, tuyên truyền những kiến thức mới trên chương trình phát thanh đến các bạn học.
Đến nay, Hội LHPN huyện Bá Thước đã thành lập được 5 CLB trên toàn huyện. Bà Lê Thị Hải Lý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước - cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 10 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi trên địa bàn huyện. Từ đó góp phần trang bị kiến thức cho học sinh trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới, tăng cường quyền được tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vào quá trình xây dựng, phản biện các chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên tại địa phương.