pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thúc đẩy tác động đa chiều nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ em
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại Hội thảo sơ kết dự án.
Từ ngày 25-27/1/2021, Ban Điều hành Quản lý dự án "Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái" đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu dự án năm 2020 và xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 với sự tham gia của đại diện tổ chức Plan, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo ngành giáo dục, Hội LHPN tại hai vùng triển khai dự án hai tỉnh Kon Tum và Lai Châu. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhìn lại chặng đường 4 năm thực hiện, bà Trương Thị Thu Thủy, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban gia đình xã hội, Giám đốc Dự án, đánh giá: Ngay từ đầu kỳ triển khai dự án, Ban Điều hành dự án đã tập trung đầu tư nguồn lực, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng để thiết kế các nội dung hoạt động phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, gắn với nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu/mong muốn của cha mẹ, đồng thời hỗ trợ giải quyết kịp thời những nhu cầu/những tác động cần thiết về chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe thể lực, rào cản ngôn ngữ; phòng chống rủi ro thiên tai đối với trẻ em dân tộc thuộc 2 vùng dự án tại hai tỉnh.
Đặc biệt, năm 2020 là năm thứ 4 trong giai đoạn 5 năm của dự án (2017-2021), các đối tác từ Trung ương, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và các đối tác địa phương đã rất nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai thực hiện dự án. Nhiều ngành/đơn vị đã triển khai dự án gắn được với nhiệm vụ chuyên môn của ngành/đơn vị.
Hội phụ nữ cũng đã triển khai nhân rộng mô hình nhóm cha mẹ gắn với hoạt động của Hội để đảm bảo tính bền vững. Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo nhân rộng 1115 nhóm cha mẹ tại 46 tỉnh/thành gắn với hoạt động của Hội, vượt chỉ tiêu dự án đặt ra đến năm 2021 là 45 tỉnh/thành. Hội LHPN các tỉnh Lai Châu, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhân rộng ra các địa bàn ngoài vùng dự án.
Ngành giáo dục cũng đã gắn được với nhiệm vụ chuyên môn của ngành nhằm nâng cao chất lượng học của trẻ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa 7 chuyên đề giáo dục mầm non đảm bảo nguyên tắc lồng ghép giới và phù hợp với bối cảnh địa phương vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên của ngành hằng năm.
Các hoạt động can thiệp của dự án được triển khai theo hướng hỗ trợ tác động đa chiều nhằm hỗ trợ phát triển trẻ em một cách toàn toàn diện và cũng đã có tác động tích cực cho cộng đồng. Tại các huyện đã vận động được cha mẹ, người dân làm được nhiều sáng kiến sân chơi, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ bằng vật liệu sẵn có của địa phương, các sáng kiến về dinh dưỡng đẩy mạnh nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi tại các xã dự án.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, dự án cũng đã phải đối mặt với những khó khăn vướng mắc. Điều đó đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại địa bàn dự án, vấn đề ngôn ngữ của trẻ em dân tộc thiểu số chưa được cải thiện rõ rệt; về đánh giá việc cha mẹ áp dụng thực hành chăm sóc phát triển trẻ tại nhà cũng như chất lượng áp dụng vào giảng dạy trên lớp của giáo viên chưa thường xuyên thực hiện. Cán bộ hai vùng dự án có sự thay đổi nên cũng tác động và ảnh hưởng không ít đến tiến độ, kết quả của dự án.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai dự án trên địa bàn, tập trung thảo luận nội dung và kế hoạch nhiệm vụ năm 2021 và cũng là năm cuối của dự án.
Các nội dung và giải pháp thúc đẩy để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu dự án đã được đại biểu thảo luận, thống nhất trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ triển khai dự án tại các địa phương và căn cứ vào định hướng chỉ đạo của Trung ương. Trong thời gian diễn ra hội nghị, các đại biểu đã tham quan mô hình nhóm trẻ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên của Thành phố Hải Phòng. Đây là địa phương đã áp dụng triển khai hiệu quả thành công mô hình nhóm cha mẹ và nhóm trẻ tại cộng đồng của dự án.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phó Chủ tịch Trần Thị Hương đánh giá cao những nỗ lực của Ban quản lý dự án; sự hỗ trợ kỹ thuật quý báu của tổ chức Plan Việt Nam cùng với sự vào cuộc và tinh thần vượt khó của chính quyền, của ngành giáo dục và Hội LHPN các cấp. Những kết quả đạt được của dự án đã đóng góp tích cực cùng với Hội LHPN Việt Nam thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội về công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em và chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Trung ương và hai vùng dự án cần tập trung cho công tác chỉ đạo, tổng kết đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định những nội dung và giải pháp cần ưu tiên thúc đẩy để đạt các mục tiêu quan trọng của dự án. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, thúc đẩy lồng ghép giới trong chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thực hiện các mảng hoạt động của dự án nhằm góp phần đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng giới cho trẻ em gái trong phạm vi cả nước.
Dự án "Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái" được triển khai từ năm 2017 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam - Trung tâm sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng - Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam phối hợp thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan hợp tác và phát triển Bỉ thông qua Tổ chức Plan Bỉ.
Mục tiêu của dự án hướng tới thực hiện các chỉ tiêu về Phát triển trẻ thơ (trẻ em dân tộc từ 0-8 tuổi tỉnh Kon tum và Lai Châu được phát triển trong môi trường an toàn và kích thích phát triển thông qua tiếp cận chăm sóc và giáo dục trẻ thơ, giáo dục mầm non-tiểu học có chất lượng và sự tham gia của cộng đồng và lãnh đạo địa phương) và Quản lý rủi ro thiên tai (Trẻ em từ 6 tuổi trở lên được học trong môi trường an toàn hơn thông qua nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu).