Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên cái gì phải tùy thời điểm

PV
27/09/2021 - 16:54
Thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên cái gì phải tùy thời điểm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Trung ương đã kết luận rõ về việc thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên cái gì tùy thuộc vào diễn biến của từng giai đoạn, ở những địa bàn cụ thể.

Sáng 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội; để nghe ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công năm 2021; có căn cứ khoa học và thực tiễn tốt nhất cho các quyết sách cho năm 2022 và trực tiếp phục vụ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Ghi nhận các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các đại biểu đều thống nhất rằng, việc kiểm soát thành công dịch COVID-19 và một số giải pháp, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của năm 2020 đã giúp Việt Nam ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, chủng mới của virus, dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại vào năm 2021, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội, hệ thống y tế và sức khỏe người dân, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Quý 3/2021 và việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội cả năm.

Về các lưu ý chính sách đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần kiên định mục tiêu kép có ưu tiên thời điểm và địa bàn cụ thể cho phòng chống dịch hay phát triển kinh tế. 

Chủ tịch Quốc hội cho biết, vấn đề này đã được Bộ Chính trị và tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua đã có kết luận rõ ràng về việc thực hiện mục tiêu kép nhưng ưu tiên cái gì tùy thuộc vào diễn biến của từng giai đoạn, ở những địa bàn cụ thể. Trước mắt tập trung nhiều hơn cho chống dịch, đặt sức khỏe người dân lên trên hết và trước hết. "Đường hướng được xác định rõ ràng, vấn đề là thực thi như thế nào" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các nội dung đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, cụ thể:

Một là tập trung đẩy nhanh tiêm chủng và xét nghiệm bởi đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch và giảm thiểu thiệt hại về kinh tế - xã hội. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với ý kiến bản thân các giải pháp phòng chống dịch cũng phải tiết kiệm, hiệu quả.

Hai là, tiếp tục giãn cách, hạn chế di chuyển nhưng phải thông minh hơn như áp dụng công nghệ, linh hoạt, đồng bộ, nhất quán, chủ động, gắn với quản trị  quốc gia có phân cấp ủy quyền, liên kết vùng.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ cả về tài khóa, tiền tệ theo hướng cân bằng hơn, trong đó tài khóa hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội; tăng chi cho y tế, có hỗ trợ trực tiếp, có chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất có mục tiêu và có địa chỉ; giải pháp hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp đang chịu lỗ, đề xuất cho phép chuyển lỗ nhiều hơn so với quy định hiện nay, hỗ trợ chi phí trong giá thành cao hơn chi phí thực tế…

Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường trợ giúp xã hội, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương để làm chậm và khắc phục gia tăng bất bình đẳng.

Mô hình phòng chống dịch tình hình mới chú trọng vai trò, ý thức Nhân dân - Ảnh 1.

TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương trình bày tham luận tổng quan kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng năm 2022. Ảnh quochoi.vn

Mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe Nhân dân

Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng trao đổi về các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng với dịch bệnh. Nhiều diễn giả dự báo chưa thể khắc phục được ngay dịch bệnh trong năm 2021-2022 và có thể kéo dài; ngày càng nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, chuyển từ đóng cửa, giãn cách sang tăng nhanh tiêm vaccine và giảm tỷ lệ tử vòng, tăng khả năng sẵn sàng của hạ tầng y tế và nâng cao ý thức Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe Nhân dân cả về thể chất và tinh thần. Đồng thời duy trì sinh hoạt, hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức tối đa có thể trong bối cảnh có dịch bệnh.

Mô hình cho phòng chống dịch trong tình hình mới chú trọng vai trò của ý thức Nhân dân trong bảo vệ sức khỏe và tiêm chủng, năng lực của hệ thống  y tế; cần lưu ý yếu tố linh hoạt, không cứng nhắc, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Mô hình phòng chống dịch tình hình mới chú trọng vai trò, ý thức Nhân dân - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh quochoi.vn

Đồng thời, có lộ trình phù hợp căn cứ tỷ lệ tiêm chủng vaccine, không mở cửa ồ ạt mà mở cửa có điều kiện và quy định cho từng ngành lĩnh vực, theo đối tượng cá nhân và doanh nghiệp.  Củng cố sức khỏe và phát triển kinh tế hết sức chú trọng khía cạnh xã hội và tâm lý người dân, nới lỏng một số hoạt động để hạn chế sức ép xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các ý kiến, đề xuất tại Tọa đàm là chất liệu quan trọng để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra chính thức các báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới. Đồng thời là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nghiên cứu và triển khai các công việc thuộc thẩm quyền để cùng với Chính phủ và cả hệ thống chính trị sớm đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm