Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: Người vui, người khóc vì lương bị nợ

Quang Thái
21/01/2024 - 08:34
Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: Người vui, người khóc vì lương bị nợ

Nhân viên thuyết minh giới thiệu đến khách du lịch tại Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai). Ảnh: N.Liên

Ngành du lịch - khách sạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023, nhưng đâu đó, những nhân sự ngành này vẫn đối mặt với tình trạng mất việc, bị nợ lương và không một đồng thưởng Tết.

Gian khó qua rồi, vừa vui vừa có tiền

Ngành du lịch có đặc thù riêng, cận Tết khi những nhân sự ngành nghề khác chuẩn bị nghỉ ngơi thì lại là lúc người làm du lịch, khách sạn bận rộn nhất. Chị Hương - quản lý một khách sạn lớn tại Hà Nội chia sẻ: "Nếu như năm 2022 phục hồi được khoảng 50% thì đến 2023, phải đến 80-90%. Tất nhiên không bằng những năm trước dịch, nhưng khách sạn hầu như kín phòng suốt cả năm 2023. Năm nay không phải đau đầu lo chuyện thưởng Tết cho nhân viên nữa."

Chia sẻ nói trên cũng giống với tâm trạng của vài quản lý cấp cao ngành du lịch khách sạn mà chúng tôi khảo sát. Vào năm 2021, thời điểm dịch Covid-19, nữ quản lý khách sạn này đã có chia sẻ "ngày 29 Tết, đứng ở sảnh khách sạn vắng tanh vắng ngắt mà nước mắt rơi". Nửa năm nay, trước sảnh khách sạn này luôn đông vui lượng khách ra vào, bao gồm các khách trong nước và khách nước ngoài đến từ châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê từ Cục du lịch Quốc gia, tính chung cả năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt). 6 tháng cuối năm 2023, mỗi tháng đều có trên 1 triệu khách đến Việt Nam, trong đó tháng 12 đạt lượng khách cao nhất với 1,37 triệu lượt. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 70% so với năm 2019.

Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: người vui gian khó đã qua, người khóc vì lương bị nợ- Ảnh 1.

Khách nước ngoài hào hứng khám phá Việt Nam qua tour du lịch bằng xe mô tô. Anh Tuyến Trần - một hướng dẫn viên chuyên tour mạo hiểm đã bận rộn với nhiều lịch trình dẫn khách trong năm 2023.

Sự phục hồi của ngành du lịch tăng dần đều từ 2022 đến 2023, kèm theo đó là công việc, thu nhập của nhân sự ngành du lịch - khách sạn được cải thiện. Bích Hạnh - nhân viên một công ty lữ hành cho biết, suốt năm qua, số lượng tour bán được, số lượng khách liên tục tăng.  "Trong giai đoạn 2020-2021, công ty em phải cắt giảm đến hơn 50% nhân sự, thu nhập cũng sụt giảm, Tết năm đó em có 5 triệu an ủi tinh thần, không đủ tiêu Tết. Năm nay, ngoài lương tháng thứ 13, mỗi nhân sự công ty được thưởng từ 1,5 đến 2 tháng lương, cộng lại cũng mấy chục triệu, Tết này vui rồi", Bích Hạnh chia sẻ.

Một tập đoàn lớn có mảng hoạt động kinh doanh khách sạn đã mua lại một khách sạn khác trong năm 2022, đưa vào hoạt động trong năm 2023. Tổng giám đốc tập đoàn này cho biết khách sạn mới mua lại này hoạt động tốt trong cả năm qua, tập đoàn cũng đã có chính sách thưởng Tết cho nhân sự ở mảng này: "Chúng tôi chủ trương Tết là sự sẻ chia, động viên, nên sẽ thưởng Tết theo mức từ quản lý đến nhân viên gần gần ngang nhau, ai cũng đều vui vẻ".

Nhân sự ở một khách sạn lớn khác thì đã an tâm chuyện thưởng Tết do năm nay khách sạn doanh thu tốt, một kế hoạch liên hoan cuối năm hoành tráng và ý nghĩa đang được chuẩn bị, với việc tổ bếp với bếp trưởng lừng danh sẽ nấu một bữa ăn 5 sao cho toàn thể nhân sự.

Đâu đó vẫn còn những nỗi buồn

Ngành du lịch - khách sạn phục hồi mạnh mẽ, nhưng không phải niềm vui đến với tất cả. Một vài tâm sự chuyện mất việc, bị nợ lương, không thưởng Tết đã được nhân sự ngành này chia sẻ.

Trên một diễn đàn của những người làm ngành khách sạn, một nhân sự giấu tên chia sẻ việc hệ thống nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn của tập đoàn F vừa cho nghỉ việc gần 300 nhân viên. Resort tại Sầm Sơn của tập đoàn này đã nợ lương nhân viên từ tháng 10 năm ngoái, nợ bảo hiểm xã hội 2 năm 9 tháng chưa đóng cho các nhân sự. Một nhân sự cũng làm hệ thống này nhưng ở địa phương khác cho biết cũng gặp tình trạng tương tự, tập đoàn này hiện rất khó khăn do người đứng đầu vướng vòng lao lý.

Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: người vui gian khó đã qua, người khóc vì lương bị nợ- Ảnh 2.

Chia sẻ của một nhân sự trong ngành du lịch vì bị chậm đóng bảo hiểm thời gian dài

Trong năm qua, số liệu về du lịch từ nhiều địa phương, địa điểm du lịch đều là con số tăng trưởng thì riêng Phú Quốc lại có phần sụt giảm. Các cuộc tranh luận về việc du lịch Phú Quốc kém sức hút, đánh mất ưu thế diễn ra liên tục. Nguyên nhân là giá vé máy bay quá đắt, giá dịch vụ cao, tình trạng "chặt chém" du khách xen lẫn việc làm du lịch kiểu chộp giật vẫn còn. Thống kê về lượng khách trong 2 dịp nghỉ lễ lớn của năm 2023 là 30/4-1/5 và nghỉ Quốc khánh 2/9 tại Phú Quốc đều tụt giảm mạnh.

Anh DT - một nhân sự làm tại Nam Nghi Phú Quốc Resort cho biết đã nghỉ việc, resort này đã đóng cửa vào tháng 5/2023. Anh DT liên hệ để lấy sổ bảo hiểm xã hội nhưng không được vì hiện người phụ trách nhân sự cũng đã nghỉ, không biết tìm đâu.

Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: người vui gian khó đã qua, người khóc vì lương bị nợ- Ảnh 3.

Thưởng Tết của ngành du lịch - khách sạn: người vui gian khó đã qua, người khóc vì lương bị nợ- Ảnh 4.

Một phần biên bản hòa giải trong vụ việc người lao động làm việc tại 1 resort ở Phú Quốc bị nợ tiền lương, tiền công, chậm đóng bảo hiểm

Chị Nguyễn Thị Đ. Q cung cấp cho PV 2 biên bản hòa giải mà Phòng Lao đông - TB&XH Phú Quốc tiến hành về việc giải quyết khiếu nại của người lao động đối với Công ty cổ phần Trendy Phú Quốc (công ty quản lý vận hành một khu resort tại Phú Quốc). 

Một buổi hòa giải được tiến hành vào tháng 6/2022 và một buổi nữa được tiến hành vào 22/12/2023. Những người lao động làm việc cho Công ty này khiếu nại về việc công ty có chậm lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Đại diện công ty trong buổi làm việc có nêu nguyên nhân "gặp khó khăn về tài chính do suy giảm kinh tế". Công ty sẽ cố gắng trả tiền lương, tiền công cho người lao động trước Tết nguyên đán, còn về BHXH, công ty không có khả năng kinh tế để đóng cho người lao động. Chị Q là người Cần Thơ ra Phú Quốc làm việc. Sau khi công ty chậm lương, chậm đóng bảo hiểm, chị Q về quê và mỗi lần khiếu nại, hòa giải lại tốn chi phí, công sức để di chuyển ra Phú Quốc. Do chậm đóng bảo hiểm, chỉ Q không được hưởng chế độ thai sản. Hiện tại, do con còn nhỏ, chị Q chưa đi làm trở lại được và bán các đặc sản dừa online để có thêm nguồn thu nhập.

Trong năm qua, một số quản lý giỏi, nhiều kinh nghiệm trong vận hành khách sản, nhà hàng cao cấp đã từ các địa điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc về lại Hà Nội. MĐ - một quản lý khách sạn có gần 5 năm làm việc tại Nha Trang chia sẻ: "Tập đoàn khó khăn, lương bị cắt giảm, mình quyết định về lại Hà Nội. Tết này mình ở tình trạng thất nghiệp, không lương, không thưởng, dự tính sau Tết sẽ mở một quán cafe". 

Qua khảo sát thực tế một số nhân sự ngành này, mất việc, chậm lương, nợ bảo hiểm, không thưởng Tết là điều vẫn xảy ra ở một số công ty, một vài nơi. Những người làm nghề khách sạn - du lịch vẫn luôn chia sẻ, động viên nhau khi có ai đó nói đến những khó khăn. Công việc ổn định hơn, thu nhập tốt hơn, có cái Tết ấm no là mong muốn chung của tất cả. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm