pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh tim mạch gia tăng sau tuổi mãn kinh
Ảnh minh họa
Đây là thông tin được GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam - chia sẻ trong khuôn khổ Hội nghị tim mạch thường niên với chủ đề "Các kỹ thuật ưu việt trong điều trị bệnh lý tim mạch" do Bệnh viện FV phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 26/11 tại TPHCM.
Theo GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước, bệnh lý tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong. Cao hơn cả các bệnh lý về nhiễm trùng, tiêu hóa, ung thư. Trong đó, suy tim là "ngõ cùng" của tất cả các bệnh như đái tháo đường, huyết áp...
Suy tim đến nay vẫn là một thách thức với y khoa khi vẫn còn chưa có nhiều tác động quan trọng để làm tiên lượng bệnh suy tim được cải thiện rõ rệt. Trong đó, khi điều trị một số tiến bộ trong điều trị các bệnh liên quan như cao huyết áp, đái tháo đường… đã mang lại hiệu quả cho điều trị suy tim. Trong thời gian tới, bệnh suy tim vẫn cần rất nhiều nghiên cứu, thuốc men và các biện pháp hỗ trợ thêm.
"Suy tim vẫn là một vấn đề khá lớn trên thế giới và đó chính là kết cục của tất cả các bệnh. Khi suy tim xảy ra thì nó cứ tiến triển, việc ngăn bệnh tiến triển, để nó chậm đi đã là thành công", GS. Đặng Vạn Phước nói và nhấn mạnh xu hướng hiện nay là phải phát hiện sớm và đồng thời giải quyết các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm di truyền, độ tuổi, giới tính.
Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng cho hay, tỉ lệ nam giới mắc bệnh tim mạch nhiều hơn phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ sau tuổi mãn kinh thì nguy cơ bị bệnh lý tim mạch tăng hơn so với trước và ngang bằng với nam giới.
Đới với tim mạch, estrogen được coi như một chất bảo vệ mạch máu một cách tự nhiên nhất cũng như điều hòa vận chuyển ion và ion canxi và trong tế bào, giúp ngăn cản quá trình tạo huyết khối cũng như giảm sức căng của cơ. Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, từ 40-50 tuổi, lượng estrogen của phụ nữ giảm đi một cách rõ rệt, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn trước.