pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tiệm tạp hóa chuyển mình trước "cơn lốc" mua sắm online - Bài 1: Vật lộn để tồn tại
1 tiệm tạp hóa ở thôn Nam Trực, xã Nam Tiến (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh minh họa
Doanh thu sụt giảm
"Trước đây, tôi thường chọn sắm đồ thực phẩm khô, đồ dùng lặt vặt như kem đánh răng, xà bông, dầu gội đầu… tại tiệm tạp hóa gần nhà vì tính tiện dụng và giá cả cũng "mềm" hơn siêu thị.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những mặt hàng này được bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội với nhiều ưu đãi nên tôi đã chuyển sang săn "sale" trên chợ online", chị Phạm Quỳnh Trang (Hà Nội) chia sẻ.
Câu chuyện của chị Trang là một minh chứng cho thấy sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, đặt ra nhiều thách thức đối với kênh bán hàng truyền thống này.
Là chủ một cửa hàng tạp hóa tại phố Đội Cấn (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, gia đình chị mở cửa hàng tạp hóa đến nay cũng ngót nghét 30 năm. Khởi đầu từ những món đồ lặt vặt như chai nước mắm, gói mì tôm, cân đường…
Bày bán ngay tại tầng 1 của gia đình, với diện tích khoảng 15m2, đến nay, chị đã mở rộng diện tích của tiệm tạp hóa lên gấp 3 lần, với đa dạng mặt hàng. Tuy nhiên, khi mua sắm online trở nên bùng nổ, doanh thu của cửa hàng đã bị sụt giảm khoảng 30%.
Doanh thu sụt giảm kéo dài khiến nhiều cửa hàng không đủ sức duy trì hoạt động kinh doanh và cuối cùng là phải đóng cửa. Chị Trần Thu Hà (ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, trước đây, xung quanh khu nhà chị có tới 5-6 cửa hàng tạp hóa nhưng hiện tại, chỉ còn 2 cửa hàng bám trụ được.
Những tiệm này không chỉ có diện tích lớn, đa dạng mặt hàng mà chủ cửa hàng phải rất nỗ lực trong khâu chăm sóc khách hàng.
"Chỉ cần tôi nói muốn mua sữa là vợ chồng chủ tiệm đã biết tôi muốn mua sữa của hãng nào, sữa bột hay sữa nước hay mình có trót mang thiếu tiền thì có thể trả vào lần sau. Đặc biệt, chủ tiệm rất chiều khách, sẵn sàng xé bịch bánh, bịch kẹo để bán lẻ một vài chiếc.
Đây là điểm cộng mà các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các shop bán hàng online chưa đáp ứng được", chị Hà nói.
Thay đổi để "giữ chân" khách hàng
Không chỉ chăm chút hơn trong khâu chăm sóc khách hàng, chị Nguyễn Thư Trinh, chủ một tiệm tạp hóa tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị còn đầu tư tủ mát để đựng các loại nước, lắp đặt các kệ hàng, bày biện hàng hóa một cách khoa học, bắt mắt hơn, giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn.
Việc niêm yết giá cũng được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch. Hàng hóa được lấy từ các nhà sản xuất có đủ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ. Theo chị Trinh, đây là sự thay đổi cần thiết để cửa hàng tạp hóa của mình có thể cạnh tranh được với các cửa hàng tiện lợi hay shop bán hàng online.
Không chỉ các thành phố lớn mà tại các tỉnh, thậm chí ở nhiều vùng quê, cũng đang chứng kiến sự chuyển mình của các cửa hàng tạp hóa.
Bà Lê Thị Thúy (trú tại thôn Nam Trực, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) cho biết, tạp hóa làng quê giờ không còn là những gian hàng lụp xụp, hàng hóa nghèo nàn, bám đầy bụi như trước mà được bày biện theo phong cách hiện đại như một siêu thị mini.
Khách hàng đến mua tự chọn đồ, có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc bằng hình thức chuyển khoản. Ở cửa hàng tạp hóa, người bán hàng vừa là chủ vừa là nhân viên, tương tác trực tiếp với khách hàng nên hiểu được nhu cầu của người mua.
"Người tiêu dùng như chúng tôi nếu bận, không có thời gian đi mua hàng thì chỉ cần gọi điện, chủ cửa hàng sẽ lấy đúng món hàng mà khách cần, mang đến tận nhà. Tôi thấy tiện hơn cả đặt hàng online", bà Thúy chia sẻ.
Mở cửa hàng tạp hóa tại phố An Sơn (phường Đống Đa, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chị Dương Ngọc Thi chia sẻ thêm, hầu hết các cửa hàng tạp hóa đều mở ngay tại gia đình, không mất tiền thuê địa điểm.
Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng mức giá bán hợp lý để cạnh tranh, chủ cửa hàng như chị cũng đang thích ứng với kinh tế số bằng việc kết hợp giữa hình thức bán trực tiếp và bán hàng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để đa dạng hóa hình thức tiếp cận khách hàng.
Bài sau: Xu hướng tiêu dùng của người Việt thay đổi ra sao trong thời đại số?