pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài cuối: Thách thức trong quản lý
Ảnh minh họa
Cụ thể, khung pháp lý, các quy định về thương mại điện tử ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ để quản lý và kiểm soát hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Các quy định hiện có chưa đủ mạnh để áp dụng lên các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa.
Về phía người tiêu dùng, khi phát sinh các vấn đề trong giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, sản phẩm bán có thể không được kiểm định chất lượng chặt chẽ, dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng trong việc yêu cầu bồi thường hoặc khiếu nại.
Hiện Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong đó, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng năm 2023 quy định rõ quyền lợi của người tiêu dùng, bao gồm quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, quyền lựa chọn hàng hóa và quyền khiếu nại.
Bên cạnh đó là các quy định về bảo mật thông tin cá nhân và yêu cầu về thông tin sản phẩm cũng được áp dụng đối với các nền tảng thương mại điện tử, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị gian lận và bị lừa đảo khi giao dịch từ xa. Người tiêu dùng có quyền trả lại hàng hóa không đạt yêu cầu chất lượng hoặc không đúng mô tả.
"Khi mua hàng từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn, vì các quy định có thể không đồng nhất giữa các quốc gia. Việc mua hàng giá rẻ trên các nền tảng xuyên biên giới hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về chính sách của từng nền tảng trước khi quyết định mua hàng", luật sư Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo.
Không giao dịch với các nền tảng chưa được Bộ Công Thương xác nhận
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, ngày 26/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành văn bản số 8598/BCT-TMĐT. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ, Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các nữ doanh nhân phát triển doanh nghiệp, bao gồm tiếp cận vốn vay, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng mạng lưới hỗ trợ nữ doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và mở rộng kinh doanh.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2025, Bộ cũng tập trung vào một số chương trình trọng tâm như: Phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tạo thêm kênh bán hàng mới (bán hàng hợp kênh - cả online và offline) để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước;
đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lớp đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… thông qua việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, website, livestream nhằm thúc đẩy thương mại trong nước cũng như xuất khẩu.