Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?

Châu Anh
12/11/2024 - 16:33
Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?
Thông thường tiếng thổi ở tim không phải là một vấn đề cần phải điều trị, tuy nhiên tiếng thổi ở tim cũng có thể có nguyên nhân do các bệnh lý nghiêm trọng hơn và cần can thiệp sớm.

Một trái tim khỏe mạnh sẽ tạo ra âm thanh "lub-dub" (bùm - tặc) khi đập, đây là âm thanh của van tim đóng mở. Tiếng "bùm" xuất hiện khi một phần của trái tim co bóp và van hai lá, van ba lá đóng lại. Trong khi đó tiếng "tặc" xảy ra khi một phần của tim giãn ra và van động mạch chủ, van động mạch phổi đóng lại. Tiếng thổi ở tim là một âm thanh bổ sung vào chu kỳ của nhịp tim chẳng hạn như tiếng "vù vù" như gió lùa, tiếng rít hoặc sột soạt.

1. Triệu chứng tiếng thổi ở tim

Nhiều người bị tình trạng tiếng thổi ở tim không có triệu chứng, nhưng khi xảy ra, các triệu chứng của tiếng thổi ở tim có thể bao gồm:

- Đau ngực, tim đập nhanh (còn gọi là đánh trống ngực).

- Thở hụt hơi, mệt mỏi, khó thở.

- Đổ mồ hôi liên tục mà không phải do vận động gắng sức.

- Ngất xỉu.

- Da xanh xao hoặc tím tái ở đầu ngón tay.

- Sưng phù cơ thể hoặc tăng cân đột ngột.

- Nổi tĩnh mạch cổ.

- Ho kéo dài.

Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?- Ảnh 1.

Triệu chứng tiếng thổi ở tim (Ảnh: ST)

Tiếng thổi ở tim với trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra: Chán ăn, da hơi tái xanh đặc biệt là ở đầu ngón tay và môi, ho, phát triển chậm, chóng mặt kèm theo sưng ở bụng, cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân.

2. Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Tiếng thổi ở tim được hiểu là do bất thường của dòng máu chảy qua van tim bị rối loạn, van tim bất thường hoặc khiến tim đập nhanh hơn và buộc tim phải xử lý nhiều máu hơn bình thường. Như vậy có thể phân loại tiếng thổi ở tim thành hai loại là tiếng thổi vô hại và bất thường.

Trong đó tiếng thổi ở tim vô hại thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, âm thanh này sẽ biến mất khi trẻ lớn lên. Mặt khác, tiếng thổi ở tim bất thường sẽ đáng lo ngại hơn, vì chúng có thể là dấu hiệu của tình trạng về tim tiềm ẩn như tổn thương van tim và cần được đánh giá để can thiệp điều trị y tế sớm.

Nguyên nhân tiếng thổi ở tim:

- Vấn đề về cấu trúc trong tim

Các vấn đề về cấu trúc trong tim thường có thể gây ra tiếng thổi ở tim. Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề về cấu trúc này là bẩm sinh. Các dị tật bẩm sinh này có thể trên thành tim, vách ngăn tim hoặc van tim.

Trong đó, thông liên thất bẩm sinh có thể gây ra một lỗ hở tại vách liên thất gây ra luồng thông giữa các tâm thất - ảnh hưởng đến cách máu chảy vào và qua tim. Hoặc bệnh tim bẩm sinh còn ống động mạch là tình trạng trong đó ống nối giữa hai động mạch chính xuất phát từ tim (động mạch chủ và động mạch phổi) không hoàn toàn đóng lại - dẫn tới lưu lượng máu bất thường cũng như tiếng thổi ở tim.

Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?- Ảnh 2.

Các vấn đề về cấu trúc trong tim thường có thể gây ra tiếng thổi ở tim (Ảnh: ST)

- Vấn đề về van tim như hẹp, hở

Một số van tim hỗ trợ chuyển động và hướng chảy của máu. Bao gồm van động mạch chủ, van động mạch phổi, van hai lá và van ba lá. Tiếng thổi ở tim có thể xảy ra khi một trong những van này không hoạt động bình thường khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu tới các cơ quan của cơ thể đi qua van bị tổn thương. Theo thời gian, điều này có thể khiến tim yếu đi hoặc phì đại dẫn tới suy tim.

Các vấn đề về van tim có thể bao gồm: Xơ cứng hoặc hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hẹp van hai lá, hở van hai lá, sa van hai lá, hẹp van động mạch phổi, hở van động mạch phổi, hẹp van ba lá.

- Vấn đề về cơ tim

Không chỉ các vấn đề về van tim mà tiếng thổi ở tim cũng có thể liên quan tới cơ tim. Bệnh cơ tim phì đại là bệnh có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, khiến cơ tim dày hơn bình thường. Triệu chứng thường gặp của bệnh cơ tim phì đại là đau ngực, chóng mặt, mệt mỏi, hồi hộp và ngất xỉu (thường xảy ra khi tập thể dục) khi bệnh tiến triển.

- Các tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra tiếng thổi ở tim

+ Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Là sự nhiễm trùng của màng ngoài tim làm hỏng van tim. Bệnh xảy ra thường do vi khuẩn (thường do các vi khuẩn như streptococci hoặc staphylococci) hay nấm. Triệu chứng điển hình của viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là bị sốt hoặc ớn lạnh, nhịp tim, buồn nôn, khó thở, thiếu máu, tắc mạch và sùi nội mạc cơ tim và van tim, có thể có nước tiểu màu đỏ hoặc nâu nếu các mảnh sùi bị vỡ và di chuyển theo dòng máu đến thận.

Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?- Ảnh 3.

Tiếng thổi ở tim có di truyền không? Ảnh: ST

+ Tích tụ canxi: Canxi có thể lắng đọng trên van tim và làm cho van cứng và hẹp. Lúc này van tim có thể không đóng hoàn toàn, khiến máu chảy ngược trở lại và gây ra tiếng thổi ở tim do dòng chảy của máu thay đổi.

+ Bệnh tim carcinoid: Là biến chứng của hội chứng carcinoid, một loại ung thư có thể ảnh hưởng đến tim với tỷ lệ gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi và nữ giới. Khối u phát triển chậm và gây ra các triệu chứng như đỏ bừng da, giãn mao mạch và tĩnh mạch thành hình mạng nhện, sụt cân, đau bụng và tiêu chảy, khó thở, thở rít, tim đập nhanh.

Với biến chứng bệnh tim carcinoid, bệnh nhân có thể có hiện tượng dày các lá van như van hai lá, van ba lá (gây hở van) và van động mạch phổi (gây hiện tượng hẹp van); dày lớp nội tâm mạc và nghiêm trọng hơn là suy tim.

+ Hội chứng Marfan: Là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết và ảnh hưởng nhiều nhất đến tim, mắt, mạch máu và xương. Hội chứng Marfan có thể làm van tim lớn hơn bình thường gọi là dị dạng van tim hoặc giãn van tim quá mức. Máu chảy ngược qua các van tim bị tổn thương khi tim bơm máu gây ra tiếng thổi ở tim. Lâu dài có thể gây ra suy tim.

Tiếng thổi ở tim có di truyền không?

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiếng thổi ở tim đôi khi là do đột biến gen trong khi thai nhi phát triển trong tử cung. Bản thân tiếng thổi ở tim không phải là di truyền, nhưng một số tình trạng gây ra tiếng thổi ở tim có thể là di truyền, chẳng hạn như hẹp van động mạch chủ và van động mạch phổi.

Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc một số bệnh về cơ tim cũng có thể làm tăng nguy cơ bị tiếng thổi ở tim.

3. Chẩn đoán và điều trị tiếng thổi ở tim

Để chẩn đoán tiếng thổi ở tim, bác sĩ sẽ kiểm tra âm thanh khi nghe tim bằng ống nghe để đánh giá xem tiếng thổi ở tim to đến mức nào, tiếng thổi là cao độ hay thấp độ, vị trí phát ra tiếng thổi là ở tâm thu hay tâm trương, âm thanh này xảy ra khi tim đập hay thư giãn, tiếng thổi ở tim có thay đổi khi thực hiện các hoạt động như nín thở, ngồi xổm, nằm xuống hay đứng lên không,...

Tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì?- Ảnh 4.

Để điều trị tiếng thổi ở tim, cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì (Ảnh: ST)

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như đo huyết áp, kiểm tra nồng độ oxy máu, đo nhịp tim, siêu âm tim, điện tâm đồ, chụp X-quang ngực,...

Để điều trị tiếng thổi ở tim, cần phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tiếng thổi ở tim là bệnh gì. Thuốc chống đông máu, chống loạn nhịp tim, thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu có thể được chỉ định để kiểm soát và ổn định nhịp tim, ngăn ngừa sự hình thành của huyết khối, loại bỏ lượng nước dư thừa ra khỏi máu giúp tim dễ dàng thực hiện chức năng bơm máu hơn.

Tuy nhiên, một số trường hợp bị tiếng thổi ở tim cần phải thực hiện phẫu thuật để khắc phục nếu trái tim có các khuyết tật bẩm sinh hay bất thường van tim nghiêm trọng.

4. Khi nào tiếng thổi ở tim cần thăm khám bác sĩ?

Như đã nói, hầu hết các nguyên nhân dẫn tới tiếng thổi ở tim không quá nghiêm trọng nhưng nếu tiếng thổi ở tim là bệnh lý ở tim hoặc van tim thì cần phải được điều trị sớm.

Hãy thăm khám nếu cảm thấy bị đau ngực đột ngột, khó thở khi tập thể dục hoặc khi nằm, mệt mỏi mãn tính, chóng mặt hay ngất xỉu mà không rõ nguyên nhân, tim đập nhanh bất thường, sưng phù nề ở mắt cá chân hoặc bàn chân.

Nguồn: WebMD, Health, Harvard Health
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm