4 xét nghiệm và chỉ số mà phụ nữ trên 20 tuổi nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ tim mạch

Vân Anh
12/11/2024 - 16:40
4 xét nghiệm và chỉ số mà phụ nữ trên 20 tuổi nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ tim mạch
Theo các bác sĩ tim mạch, phụ nữ nên bắt đầu theo dõi sức khỏe tim mạch của mình ngay từ năm 20 tuổi để giảm thiểu rủi ro lâu dài.

Bệnh tim thường được cho là chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới, nhưng đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với phụ nữ trên toàn cầu. Các dấu hiệu, triệu chứng ban đầu của bệnh tim thường không rõ ràng, nên việc sàng lọc thường xuyên là rất quan trọng để phát hiện sớm và phòng ngừa.

Khi gây ra triệu chứng, các triệu chứng bệnh tim mạch bao gồm:

- Đau ngực

- Đau, yếu hoặc tê chân hoặc tay

- Khó thở

- Nhịp tim rất nhanh hoặc rất chậm, hoặc hồi hộp

- Cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu

- Mệt mỏi

- Chân tay sưng tấy

Các xét nghiệm và chỉ số kiểm tra sức khoẻ tim mạch

Để kiểm tra sức khoẻ tim mạch ở tuổi 20, mọi người nên thực hiện 4 xét nghiệm và các chỉ số:

1. Xét nghiệm mỡ máu

Xét nghiệm mỡ máu là xét nghiệm kiểm tra nồng độ cholesterol và triglyceride, qua đó đánh giá những nguy cơ về bệnh tim mạch.

Mức cholesterol "xấu" LDL cao có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Điều đáng lo ngại là bạn có thể sống nhiều năm với lượng cholesterol cao mà có thể không hề biết vì chúng thường không gây ra triệu chứng. Đó là lý do tại sao việc kiểm tra lượng cholesterol thường xuyên là điều cần thiết. Nếu lượng cholesterol của bạn quá cao (tăng lipid máu), đó là dấu hiệu cảnh báo bạn nên chú ý đến sức khoẻ tim mạch.

Triglyceride là chất béo từ thực phẩm chúng ta ăn. Nồng độ triglyceride cao (tăng triglyceride máu) cũng có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu cao hơn. Bao gồm cả đau tim và đột quỵ.

4 xét nghiệm và chỉ số mà phụ nữ trên 20 tuổi nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ tim mạch- Ảnh 1.

Tổng lượng cholesterol bình thường ở mức từ 125 đến 200 (Ảnh: Internet)

Bạn có thể tham khảo bảng chỉ số xét nghiệm mỡ máu ở mức đạt chuẩn theo Cleveland Clinic. Nếu bạn nhận thấy chỉ số của mình thấp hoặc cao hơn thông tin dưới đây, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

TuổiTổng lượng cholesterol (mg/dL)

Triglyceride

 (mg/dL)

Cholesterol LDL (xấu)

Cholesterol HDL (tốt)

19 tuổi trở xuống

Dưới 170

Dưới 150

Dưới 110

Trên 45
20 tuổi trở lên ở nam

125 đến 200

Dưới 150

Dưới 100

40 hoặc cao hơn
20 tuổi trở lên ở nữ

125 đến 200

Dưới 150

Dưới 100

50 hoặc cao hơn

Cách làm xét nghiệm mỡ máu: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu của bạn và đem đi thực hiện xét nghiệm. Trước khi lấy máu bạn nên lưu ý tuyệt đối không ăn gì để đảm bảo kết quả chính xác.

2. Xét nghiệm đường huyết

Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ đáng kể khác đối với bệnh tim, vì lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng mạch máu và các dây thần kinh kiểm soát tim. Nếu có các yếu tố nguy cơ như béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, việc sàng lọc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin thông qua đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm HbA1c nên bắt đầu ở độ tuổi 20. Trong trường hợp không có các yếu tố nguy cơ, việc sàng lọc nên được thực hiện 3 năm một lần.

Mức đường huyết lúc đói bình thường đối với người không bị tiểu đường là 70 đến 99 mg/dL (3,9 đến 5,5 mmol/L). Giá trị từ 50 đến 70 mg/dL (2,8 đến 3,9 mmol/L) đối với người không bị tiểu đường cũng có thể là bình thường.

Nếu lượng đường huyết lúc đói của bạn là 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L), thì thường có nghĩa là bạn bị tiền tiểu đường.

Nếu lượng đường trong máu lúc đói của bạn là 126 mg/dl (7,0 mmol/L) hoặc cao hơn trong nhiều lần xét nghiệm, thì thường có nghĩa là bạn bị tiểu đường.

4 xét nghiệm và chỉ số mà phụ nữ trên 20 tuổi nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ tim mạch- Ảnh 2.

Mức đường huyết lúc đói bình thường 70 đến 99 mg/dL (Ảnh: Internet)

Cách làm xét nghiệm đường huyết: Có 2 loại xét nghiệm đường huyết đó là xét nghiệm mao mạch và tĩnh mạch. Trong đó xét nghiệm mao mạch nhanh hơn và xét nghiệm tĩnh mạch sẽ chính xác hơn.

Xét nghiệm mao mạch là người bệnh sẽ được lấy máu ở đầu ngón tay và thực hiện bằng máy đo đường huyết hoặc que thử, kết quả thường có trong vài giây. 

Xét nghiệm tĩnh mạch là các nhân viên y tế lấy máu từ tĩnh mạch của bạn, sau đó gửi đến phòng xét nghiệm.

Lưu ý, trước khi làm xét nghiệm bạn cần nhịn ăn vài giờ. Nếu bác sĩ yêu cầu xét nghiệm đường huyết lúc đói, bạn sẽ không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ngoại trừ nước trong vòng 8 đến 10 giờ trước khi xét nghiệm.

3. Đo huyết áp

Đây không hẳn là xét nghiệm nhưng là chỉ số mà phụ nữ ở độ tuổi 20 cũng nên theo dõi thường xuyên. Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim và đột quỵ, nhưng thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi xảy ra tổn thương đáng kể.

Việc đo huyết áp có thể thực hiện tại nhà và rất dễ dàng. Do đó, những người trưởng thành nên theo dõi một cách thường xuyên.

Huyết áp bao nhiêu là bình thường?

- Huyết áp 90/60mmHg đến 120/80mmHg được coi là bình thường. 

- Nếu huyết áp từ 120-129/80mmHg được gọi là tiền tăng huyết áp - tức là có nguy cơ huyết áp cao. 

- Huyết áp từ 130-139/80-89 mmHg là tăng huyết áp giai đoạn 1. 

- Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên là tăng huyết áp giai đoạn 2. 

- Huyết áp từ 180/120 mmHg trở lên là trường hợp khẩn cấp cần cấp cứu ngay lập tức.

4 xét nghiệm và chỉ số mà phụ nữ trên 20 tuổi nên thực hiện để bảo vệ sức khoẻ tim mạch- Ảnh 3.

Huyết áp 90/60mmHg đến 120/80mmHg được coi là bình thường (Ảnh: Internet)

Cách đo huyết áp tại nhà

- Ngồi và thả lỏng, thư giãn cơ thể. Xắn tay áo lên hoặc cởi bỏ bất kỳ trang phục nào bó tay của bạn

- Cánh tay của bạn nên được đặt thoải mái ngang tầm tim. Ngồi thẳng lưng dựa vào ghế, chân không bắt chéo. Đặt cẳng tay lên bàn với lòng bàn tay hướng lên trên. 

- Nghỉ ngơi thêm 5 phút rồi bắt đầu đo huyết áp

- Thực hiện theo hướng dẫn đi kèm với máy đo. Đảm bảo bạn đặt vòng bít quanh cánh tay theo đúng hướng dẫn.

- Đặt vòng bít ngay phía trên khuỷu tay. Vòng bít phải cách khuỷu tay khoảng 2cm để đảm bảo có thể phát hiện động mạch ở cánh tay, ngay dưới da.

- Giữ yên lặng và im lặng khi đọc chỉ số. Không nói, nhai hay bắt chéo chân.

- Thực hiện 2 hoặc 3 lần đo, mỗi lần cách nhau khoảng 1 đến 2 phút để đảm bảo độ chính xác.

4. Chỉ số khối cơ thể

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là phép tính đơn giản sử dụng chiều cao và cân nặng để đánh giá xem một người có nằm trong phạm vi cân nặng khỏe mạnh hay không. Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim, góp phần gây tăng huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường. Theo dõi chỉ số BMI thường xuyên bắt đầu từ năm 20 tuổi sẽ giúp hiểu rõ hơn liệu một người phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh tim liên quan đến béo phì hay không.

Cách tính chỉ số khối cơ thể: Công thức tính BMI theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia: BMI = cân nặng (kg) / chiều cao² (m). Ví dụ, một người nặng 60 kg và cao 1,65 m sẽ có chỉ số BMI là: BMI: 60/(1,65x1,65)=20,04. Đây là mức chỉ số bình thường.

Nếu chỉ số khối cơ thể từ 25 trở lên thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn sẽ cao hơn. Chỉ số khối cơ thể càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng tăng.

Ngoài các chỉ số trên, nếu bạn cảm thấy khó chịu ở ngực hoặc hồi hộp, ngay cả khi không có yếu tố nguy cơ bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm tim mạch khác như điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim,... để kiểm tra nhịp tim không đều hoặc các vấn đề tim mạch khác.

Mặc dù ở độ tuổi 20 nhưng phụ nữ ở trong độ tuổi này không nên chủ quan với sức khoẻ tim mạch. Để phòng ngừa bệnh tim mạch, mọi người nên chú ý tập thể dục đều đặn, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc hoặc uống rượu và giữ tinh thần thoải mái và lạc quan.

Nguồn: Indianexpress
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm