Tìm giải pháp đột phá trong bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Hải Yến
22/09/2023 - 15:42
Tìm giải pháp đột phá trong bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội nghị

Mặc dù công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025 đã đạt và vượt chỉ tiêu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh cán bộ Hội các cấp luôn có sự biến động.

Chiều 22/9, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025.

Sau 5 năm triển khai, Đề án đã góp phần đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đề ra. Tính đến hết năm 2021, có 98% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 97% cán bộ, công chức cấp huyện, 99% Chủ tịch Hội cấp cơ sở đạt chuẩn chức danh, trong đó bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội là một tiêu chuẩn bắt buộc; 100% Chi hội trưởng phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội. 

So với chỉ tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2020 là 70% cán bộ công chức cấp Trung ương, tỉnh, huyện, cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, 70% Chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội thì kết quả đạt được đã vượt chỉ tiêu.

Nâng cao công tác bồi dưỡng cán bộ Hội nhằm đáp ứng tình hình mới  - Ảnh 1.

Các đại biểu cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức, trong việc việc thực hiện Đề án

Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những hạn chế, những vấn đề đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm, khắc phục trong thời gian tới.

Trước hết, về chỉ tiêu, tối thiểu 30% người được quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội LHPN cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội; các chỉ tiêu về bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác xã hội, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí, việc làm, lĩnh vực công tác tác đối với cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp… mặc dù đã đạt và vượt nhưng chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi các cấp Hội. Trong bối cảnh cán bộ Hội các cấp luôn có sự biến động, đội ngũ chi hội trưởng thường xuyên thay đổi và xin nghỉ việc như hiện nay thì đây là vấn đề cần các cấp Hội suy nghĩ, tìm giải pháp.

Nghị định số 33/2023/NĐ – CP của Chính phủ ngày 10/6/2023 mới ban hành điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn chức danh và chế độ, chính sách, trong đó có cả chính sách đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến trực tiếp đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã/phường/thị trấn và Chi hội trưởng phụ nữ đòi hỏi các cấp Hội phải nỗ lực, chủ động rất nhiều.

Nâng cao công tác bồi dưỡng cán bộ Hội nhằm đáp ứng tình hình mới  - Ảnh 2.

Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 -2025 diễn ra chiều 22/9

Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn chức danh chưa kịp thời. Cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở thay đổi nhiều sau Đại hội chưa được đào tạo bồi dưỡng theo chuẩn chức danh, đặc biệt là nghiệp vụ công tác Hội.

Đặc biệt, một số cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng chưa vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ chưa vượt qua được điều kiện gia đình, ngại phấn đấu, chưa tận dụng cơ hội học tập để hoàn thiện bản thân.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đề nghị, các đại biểu tại hội nghị sẽ thẳng thắn cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức, trong việc việc thực hiện Đề án; đồng thời nêu những kinh nghiệm, sáng kiến, cách làm hay của các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực sự hiệu quả, có tính đột phá để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 mà Đề án đã đề ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm