Tăng tỷ lệ cán bộ nữ để thúc đẩy quyền năng chính trị của phụ nữ

Hải Yến
22/09/2023 - 10:19
Tăng tỷ lệ cán bộ nữ để thúc đẩy quyền năng chính trị của phụ nữ

Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh phát biểu khai mạc hội thảo.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện đạt trên 30% nhưng hiện còn 2 tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội.

Sáng 22/9, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) tổ chức Hội thảo với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ, vừa qua, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã hoàn thành 3 cuộc hội thảo tại 3 miền Bắc – Trung – Nam về công tác cán bộ nữ và thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Theo đó, có những địa phương tỷ lệ cán bộ nữ khá cao nhưng cũng tồn tại những địa phương tỷ lệ cán bộ nữ còn rất thấp. Hiện còn Hải phòng và Cà mau không có nữ đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhận định, Việt Nam có hệ thống luật pháp, chính sách cơ bản đầy đủ và tiến bộ nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ và nam giới trong lĩnh vực chính trị. Tiêu biểu như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND là phụ nữ; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương xác định chỉ tiêu đến năm 2030 tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.

"Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không có giải pháp thúc đẩy liên tục và thường xuyên như công tác đào tạo, quy hoạch… mà đến Đại hội mới tìm người thì sẽ không kịp, không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Vì thế, tôi mong muốn các đại biểu, cơ quan TƯ, đại phương, các chuyên gia sẽ có những phân tích, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị về thực trạng, về quá trình thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ tham gia ứng cử, cũng như tỷ lệ nữ trúng cử cao hơn, hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần có những đánh giá về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình tham gia chuẩn bị và tổ chức bầu cử… để tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong thời gian tới, đạt được mục tiêu đề ra", Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nói.

Tăng tỷ lệ cán bộ nữ để thúc đẩy quyền năng chính trị của phụ nữ - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện APHEDA phát biểu tại hội thảo

Bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) cho rằng, trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới thực chất sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội còn tồn tại. 

"Tôi mong rằng, tại hội thảo này, chúng ta sẽ tìm ra nhiều giải pháp giúp tăng tỷ lệ nữ ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới để quyền năng chính trị của phụ nữ ngày một nâng cao, giúp cho vấn đề bình đẳng giới và khoảng cách giới tại Việt Nam sẽ ngày càng được cải thiện" bà Hoàng Thị Lệ Hằng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ cán bộ nữ cả về chất lượng và số lượng trong thời gian tới.

Tăng tỷ lệ cán bộ nữ để thúc đẩy quyền năng chính trị của phụ nữ - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo với chủ đề "Giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031" diễn ra sáng 22/9/2023.

Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm trước.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6 năm 2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022, từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia bảng xếp hạng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm