pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội lên 45% đến 50%
Cử tri cân nhắc, lựa chọn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ảnh minh họa
- Ông có đánh giá thế nào về thực trạng vị thế chính trị của phụ nữ hiện nay?
- TS Nguyễn Hải Hữu: Trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc thúc đẩy vị thế chính trị của phụ nữ. Điều đó thể hiện ở việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tiến bộ và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Thực tế cho thấy, Đại biểu Quốc hội là nữ đã không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á và thế giới.
Đồng thời tỷ lệ nữ tham gia vào Ban chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp, làm chủ doanh nghiệp có xu hướng tăng; vị thế chính trị cũng được đề cao hơn.
Tuy vậy so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là "Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35% thì vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn, cần phải có giải pháp tích cực, chủ động hơn mới có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
- Theo quy đinh hiện hành, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử, ông có bình luận gì về quy định này?
- TS Nguyễn Hải Hữu: Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu HĐND (2015), "số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ".
Một số ý kiến cho rằng, để đạt được tỷ lệ phụ nữ trúng cử là 30% thì tỷ lệ phụ nữ ứng cử viên được quy định trong Luật là 35% chưa phù hợp. Tôi cho rằng, cần nâng tỷ lệ phụ nữ ứng cử viên lên 45% đến 50%; có như vậy phụ nữ mới có cơ hội trúng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cao hơn.
- Để nâng cao quyền năng chính trị, cũng như đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý và cơ quan dân cử, theo ông cần phải có những giải pháp căn cơ, lâu dài gì?
- TS Nguyễn Hải Hữu: Để đạt tỷ lệ ít nhất 30% nữ đại biểu như mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và trước hết là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Cần tiếp tục nghiêm túc quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương và trong các doanh nghiệp, nhất là vai trò của người đứng đầu, tránh bệnh thành tích, quan tâm tới tính đặc thù.
Phải có chính sách quan tâm, tạo mọi điều kiện để phụ nữ chủ động vươn lên, khắc phục khó khăn, tự tin khẳng định mình trong cuộc sống và công tác.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các quy định của chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, kịp thời phát hiện những hạn chế, nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời về công tác cán bộ nữ.
Cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt từ sớm; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ bảo đảm tính liên tục, bền vững. Cần tạo nguồn lãnh đạo là phụ nữ và phụ nữ trẻ từ địa phương, đơn vị, trong đó có vai trò của Hội LHPN các cấp trong việc tìm kiếm, giới thiệu các gương mặt phụ nữ có đủ năng lực, phẩm chất cho đảng, phụ nữ tiêu biểu làm nguồn ứng cử viên cho các cấp ủy đảng, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tập huấn cho phụ nữ ứng cử viên tiềm năng; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho phụ nữ trong mỗi cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.
Để tăng tỷ lệ phụ nữ vào các cấp ủy Đảng, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, quan trọng nhất vẫn phải dựa trên chính khả năng, năng lực của các ứng cử viên là phụ nữ.
Do vậy, các nữ ứng cử viên cần xác định việc tham gia các cấp ủy đảng, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, vào các cơ quan lãnh đạo, cơ quan dân cử, là quyền nhưng cũng là nghĩa vụ, để tham gia một cách tích cực nhất.
Đối với các nữ ứng cử viên trong diện quy hoạch cần tăng tốc chương trình hành động, nhập cuộc một cách tích cực, thể hiện sự bản lĩnh, tự tin trong quá trình vận động bầu cử, góp phần thể hiện hình ảnh, uy tín của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc luật hóa các tiêu chí về ứng cử viên nam và nữ tham gia các cấp ủy Đảng, Quốc hội, HĐND các cấp cũng là một giải pháp tích cực thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó là việc quy định tỷ lệ nữ là lãnh đạo các bộ ngành, UBND các cấp, các ban ngành của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ trên 40%, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới.
Tuy nhiên, việc quy định tỷ lệ nữ giới tham gia ứng cử đại biểu quốc hội là bao nhiêu cho phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế- xã hội đất nước, sự phấn đấu vươn lên của phụ nữ cần phải được nghiên cứu sâu hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!